1. Ruột thừa là gì và nguyên nhân gây viêm ruột thừa?
Ruột thừa là một bộ phận nhỏ như ngón tay cái nằm ở phía dưới bên phải của bụng, có 1 đầu bịt kín, đầu kia thông với manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già).
Nếu vì nguyên nhân nào đó làm cho lòng ruột thừa bị tắc nghẽn (do sỏi phân, quá sản tổ chức lympho ở thành ruột thừa, dị vật..) sẽ khiến cho ruột thừa bị sưng lên và nhiễm trùng, tạo thành ruột thừa viêm.
2. Viêm ruột thừa xảy ra ở lứa tuổi nào?
Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ 3-4 tuổi. Những trường hợp này rất khó chẩn đoán vì trẻ chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng tình trạng đau của mình và không dễ phân biệt với các bệnh lý có triệu chứng đau bụng khác. Đặc biệt, viêm ruột thừa ở trẻ tiến triển rất nhanh và có thể vỡ dễ dàng. Do vậy việc phát hiện và chẩn đoán sớm viêm ruột thừa để phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm là rất cần thiết nhằm tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với các trường hợp ruột thừa khó, đau không điển hình, khi không loại trừ được viêm ruột thừa, đôi khi bác sĩ phải quyết định mổ thăm dò, tránh trường hợp xấu nhất là ruột thừa vỡ gây biến chứng viêm phúc mạc,nhiễm trùng nặng cho bé.
3. Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa?
Triệu chứng điển hình của viêm ruột thừa là đau vùng bụng dưới bên phải ( còn gọi là hố chậu phải). Kiểu đau của viêm ruột thừa thường bắt đầu ở vùng quanh rốn trước khi khu trú ở hố chậu phải. Tuy nhiên với trẻ em, điểm đau rất khó xác định vì trẻ đa phần gặp bác sĩ là sợ, kêu khóc, không miêu tả được là đau ở đâu, thậm chí khám bụng chỗ nào cũng kêu đau.
Phần lớn trẻ có sốt nhẹ, giao động 38-38,5 độ C nhưng có khi trẻ không có triệu chứng này, chỉ khi đoạn ruột thừa viêm bị vỡ thì mới sốt. Ngoài ra, bé sẽ có tình trạng mệt mỏi, chán ăn, bụng chướng do ruột bị kích thích kèm theo buồn nôn, nôn ói. Tiêu chảy có thể có hoặc không, nhưng nếu có sẽ làm tăng khả năng chẩn đoán. Biểu hiện nôn và tiêu chảy ở trẻ viêm ruột thừa cũng dễ bị nhầm với rối loạn tiêu hóa.
4. Trường hợp nào nên nghi ngờ trẻ bị viêm ruột thừa ?
- Đau bụng vùng quanh rốn, hố chậu phải.
- Sốt nhẹ từ 38-38,5 độ C
- Buồn nôn và nôn.
- Đại tiện lỏng.
- Bụng chướng.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện không đầy đủ. Do đó các bậc phụ huynh cần đưa con đi khám nếu trẻ đau bụng âm ỉ nhiều, không giảm sau 1-2 giờ, kèm theo nôn, đi lỏng hoặc sốt để được theo dõi tại bệnh viện vì việc theo dõi ở nhà rất nguy hiểm.
5. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa
Trường hợp bệnh nhi được chẩn đoán viêm ruột thừa dựa trên lâm sàng và các chẩn đoán hình ảnh gợi ý sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa viêm. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể là phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở với đường rạch da bụng dài từ 5 đến 10 centimet. Phẫu thuật nội soi đang chiếm xu thế trong điều trị viêm ruột thừa vì các ưu điểm vượt trội của nó:
+ Ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật ngắn hơn. Vết thương nhỏ nên ít đau hơn và mang lại thẩm mỹ hơn.
+ Thời gian nằm viện ngắn, khoảng 1 đến 3 ngày.
+ Bệnh nhân phục hồi và quay lại cuộc sống hằng ngày nhanh hơn.
Hàng năm, tại khoa ngoại – chấn thương bệnh viện Nhi Thái Bình cũng tiếp nhận và phẫu thuật cho hàng trăm trường hợp viêm ruột thừa cho bệnh nhi trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Triển khai các kĩ thuật khó như cắt ruột thừa nội soi 1 troca qua rốn. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin về bệnh xin liên hệ hotline 1900888662.
Nguồn tin :
+ Quyết định số 4491/QĐ-BYT ngày 19/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật ngoại khoa chuyên khoa phẫu thuật tiêu hóa
+ Quyết định số 1789/QĐ-BVN ngày 27/12/2023 của BV Nhi Thái Bình
Ý kiến bạn đọc