Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

Cảnh báo bệnh Dại

Thứ ba - 18/06/2024 11:52 1.006 0
     Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận gần 20 trường hợp bị chó, mèo,… cắn hoặc cào. Bộ Y tế khuyến cáo, nếu người bị súc vật tấn công không được dự phòng bằng tiêm huyết thanh kháng dại và vắc xin phòng dại kịp thời, thì khả năng mắc bệnh dại là rất lớn, khi đó tỷ lệ sống sót gần như không còn.
Nhiều trẻ bị súc vật cắn thương tâm 
     Trẻ em chiếm 90% trong các trường hợp bị súc vật tấn công. Nghỉ hè, dịp trẻ được ở nhà nhiều, nô đùa, vui chơi hay gặp các trường hợp xảy ra bị súc vật tấn công. Điều quan ngại là rất nhiều vật nuôi tấn công người đã không được tiêm vắc xin phòng dại trước đó. Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng đa vết thương toàn thân do chó, mèo cắn rất thương tâm. Điển hình như bé gái 7 tuổi (ở Hà Nội), nghỉ hè về nhà ông bà chơi bị chó cắn (chó chưa được tiêm phòng dại). Cách vào viện 1h, trẻ bị chó cắn tới tấp vào mặt trong lúc nô đùa. Trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng: Vùng sống mũi có đa vết thương phức tạp, sâu, KT từ 2-3cm  trẻ được xử trí cấp cứu, khâu vết thương phức tạp vùng mặt có gây mê, sau đó được tiêm huyết thanh và vắc xin phòng dại, uốn ván kịp thời.
1
Hỉnh ảnh vết thương trước và sau khi được xử trí
     Một trường hợp khác là bé trai 11 tuổi (ở TP Thái Bình) cũng bị chó nhà nuôi (chưa tiêm phòng bệnh dại) cắn đa vết thương hở ở cổ chảy máu nhiều. Sau khi được sơ cứu băng ép tại Trạm y tế được chuyển tới Bệnh viện Bệnh viện Nhi Thái Bình để tiếp tục điều trị. Xử trí vết thương và tiêm huyết thanh, vắc xin phòng bệnh dại, uốn ván.
2
Bệnh nhi có nhiều vết thương cổ do bị chó cắn ngày thứ 7

Bệnh dại: Không còn cơ hội sống khi phát bệnh – Chủ động phòng bệnh là trên hết
     Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của động vật bị dại lên trên da bị tổn thương. Ngoài ra virus dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua cấy ghép mô, phủ tạng; vết cắn hoặc tiếp xúc với chất tiết của người bị dại. 
     Thời gian ủ bệnh dại ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. 
3

     Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh. Ở người, vi rút đào thải qua các chất tiết (nước bọt, nước mắt, nước tiểu ...) của người bệnh trong suốt thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, khả năng lây truyền từ người sang người là vô cùng hiếm gặp.  
     Bệnh dại chủ yếu lưu hành ở các nước nhiệt đới, khá phổ biến ở khu vực châu Á và châu Phi. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại. Tại Việt Nam, bệnh dại lưu hành ở nhiều địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh miền núi với nguồn truyền bệnh chính là chó, mèo. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Tuy vậy, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh kháng dại.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm
     Điều trị dự phòng nên được tiến hành càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, bao gồm: rửa vết thương, tiêm vắc xin phòng dại và sử dụng huyết thanh kháng dại nếu có chỉ định.
Xử lý vết thương
     - Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn iốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
     - Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. 
     - Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Điều trị dự phòng bệnh dại
     Chỉ định dùng vắc xin và huyết thanh kháng dại trong điều trị dự phòng bệnh dại theo phác đồ tùy theo tình trạng động vật, hoàn cảnh bị cắn hoặc tiếp xúc với nguồn bệnh, vị trí bị cắn, số lượng, tình trạng vết cắn và tình hình bệnh dại trong vùng.
     Cần tuân thủ các biện pháp dự phòng để có hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt những vết cắn vào các vùng nguy hiểm như đầu, mặt, cổ cần phải hết sức lưu ý. Việc tự ý điều trị bằng thuốc nam, hoặc đi lấy nọc, đắp lá cây,…chưa được chứng minh có hiệu quả phòng bệnh, ngược lại có thể gây nguy hiểm, tạo điều kiện cho vi rút xâm nhập vào cơ thể nhanh chóng hơn hoặc gây ra các tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
4

     Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt vào ngày đầu sau khi bị cắn. Trường hợp không thể tiêm vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vắc xin đầu tiên. Tiêm vắc xin phòng dại sớm với số liều tùy thuộc miễn dịch với dại đã có trước đó, tình trạng vết cắn và tình trạng con vật theo dõi được.
Khi tai nạn xảy ra mọi người cần rất sớm đến các cơ sở y tế để được sơ cứu, xử lý vết thương. Đồng thời phải tiêm ngay, càng sớm càng tốt huyết thanh kháng dại và vắc xin mới giúp ngăn chặn bệnh bùng phát và tử vong.
Phòng tiêm chủng vắc xin – Bệnh viện Nhi Thái Bình
•    Bên trái đại sảnh Tầng 1
•    ĐT: 0913.069.975 
•    Fanpage : https://www.facebook.com/phongtiemchungbvnhithaibinh/
•    Giờ làm việc: Sáng 7h-11h, chiều 13h30-16h30  (Thứ 2-Thứ 6); 7h-11h (Thứ 7 & Chủ nhật)

Tác giả bài viết: Ths.BS Đặng Thị Thùy Dương – Phó Khoa CCCĐ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây