1. TỔNG QUAN VỀ CHỌC DỊCH NÃO TỦY
- Dịch não tủy là gì? Là chất lỏng bao quanh não và tủy sống, có vai trò bảo vệ, nuôi dưỡng và loại bỏ chất thải.
- Chọc dịch não tủy để làm gì?
+ Chẩn đoán: Xác định các bệnh nhiễm trùng (viêm màng não, viêm não), xuất huyết não, ung thư hệ thần kinh, và các bệnh lý khác.
+ Điều trị: Đưa thuốc (kháng sinh, hóa chất) vào hệ thần kinh, giảm áp lực trong não.
2. KHI NÀO CẦN CHỌC DỊCH NÃO TỦY?
Quy trình này được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Trong chẩn đoán các bệnh thần kinh:
+ Bệnh lý nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương: viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não tủy…
+ Bệnh lý ác tính màng não: ung thư màng não, di căn màng não.
+ Bệnh lý viêm hệ thống: viêm đa rễ dây thần kinh, xơ cứng rải rác
+ Tai biến mạch não: nghi ngờ xuất huyết dưới nhện có chụp cắt lớp vi tính bình thường.
+ Một số bệnh rối loạn chuyển hóa
- Điều trị
+ Đưa thuốc vào khoang dưới nhện như kháng sinh, kháng nấm…
+ Gây tê tủy sống
- Theo dõi, đánh giá kết quả điều trị : Theo dõi kết quả điều trị trong viêm não, viêm màng não
3. NHỮNG TRƯỜNG HỢP NÀO KHÔNG NÊN CHỌC DỊCH NÃO TỦY?
- Nhiễm trùng da hoặc mô mềm vùng chọc dò.
- Tăng áp lực nội sọ.
- Nguy cơ chảy máu: các trường hợp rối loạn đông máu, đang dùng thuốc chống đông …, cần xem xét cụ thể trên từng người bệnh.
4. NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG KHI TIẾN HÀNH CHỌC DỊCH NÃO TỦY
- Cần thận trọng trong một số trường hợp dị bẩm sinh vùng thắt lưng - cùng: cột sống chẻ đôi, thoát màng não - tủy.
- Giải thích kỹ với người nhà bệnh nhân, ký cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật, động viên để người bệnh yên tâm.
- Hỏi kỹ tiền sử dị ứng với thuốc gây tê
6. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH QUY TRÌNH KỸ THUẬT
- Bước 1: Người phụ 1: đặt người bệnh nằm nghiêng, lưng sát mép giường quay ra phía bác sỹ, bộc lộ vùng chọc dò. Giữ người bệnh ở tư thế nằm bằng cách 1 tay đặt ở gáy người bệnh, 1 tay đặt ở khoeo chân, luôn có xu thế kéo vào để lưng người bệnh cong tối đa và phải đảm bảo vai và hông vuông góc với mặt giường, lưng song song với thành giường.
- Bước 2: Người phụ 2: rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang, sát trùng vùng da định chọc dò bằng cồn iod hoặc betadin sau đó bằng cồn trắng đảm bảo lau hết cồn iod, xịt thuốc tê tại chỗ, hoặc tiêm an thần giảm đau đường tĩnh mạch theo chỉ định bác sỹ.
- Bước 3: Bác sỹ trải khăn có lỗ vô khuẩn xung quanh vùng chọc dò, xác định vị trí chọc dò: người lớn thường chọc ở khe liên đốt L3-L4, L4-L5, L5-S1 (do tủy sống tận cùng ở L2, đối với trẻ em tủy sống có thể kéo dài đến L3-L4 nên vị trí chọc thường thấp hơn.
+ Kim chọc dịch não tủy (trong một số trường hợp trẻ nhỏ có thể dùng kim không nòng) được đưa vào đường giữa và vuông góc với mặt phẳng lưng, nên đưa vuông góc với trục cơ thể để giảm thiểu rách màng cứng và đau đầu sau chọc dịch não tủy.
+ Khi đưa kim vào sâu khoảng 3 – 4cm hoặc thấy hẫng tay rút nòng thông ra xem dịch não tủy có chảy qua kim không, nếu không có dịch não tủy đưa kim vào thêm 2 – 3mm sau đó rút nòng thông ra kiểm tra lại. Khi kim đi chệch hướng rút kim ra tới tổ chức dưới da, đưa kim lên phía đầu tạo góc 1500 hoặc ít hơn và đi đúng đường giữa sau đó đưa kim vào lại.
+ Khi đặt kim vào khoang dịch não tủy có thể đo áp lực dịch não tủy và lấy dịch vào các ống xét nghiệm. Sau đó lắp lại nòng thông trước khi rút bỏ kim.
Bệnh viện Nhi Thái Bình là cơ sở y tế nhi khoa có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản, trang thiết bị hiện đại thực hiện được nhiều kĩ thuật khó, cấp cứu kịp thời cho các trường hợp bệnh nặng. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin về bệnh xin liên hệ hotline 1900888662.
Nguồn tin
+ Quyết định số 4825/QĐ-BYT ngày 07/9/2016 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nhi khoa.
+ Bộ Y tế (2016 ), Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nhi khoa, 68-71.
+ Quyết định số 1765/QĐ-BVN ngày 22/12/2023 của BV Nhi Thái Bình
Tác giả bài viết: Phòng kế hoạch - tổng hợp
Ý kiến bạn đọc