Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

Nội soi tai mũi họng – gia đình người bệnh cần lưu ý gì?

Thứ ba - 27/03/2018 08:43 7.177 0
Nội soi Tai mũi họng cho trẻ là một trong những kỹ thuật y khoa được sử dụng phổ biến hiện nay để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến vùng tai mũi họng. Tuy nhiên, quá trình nội soi cần lưu ý điều gì, những sự cố cũng như rủi ro có thể xảy ra thì không phải bậc phụ huynh nào cũng nắm rõ. Bệnh viện Nhi Thái Bình xin chia sẻ tới các bậc phụ huynh và quý đồng nghiệp một số nội dung sau.
1. Nội soi Tai mũi họng là gì?
- Nội soi Tai mũi họng là kỹ thuật thăm khám phổ biến hiện nay theo đó bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi chuyên dụng đưa ánh sáng vào mọi ngóc ngách của vùng TMH, giúp chẩn đoán chính xác vị trí tổn thương cũng như nguyên nhân gây bệnh để từ đó có phương pháp điều trị thích hợp. Đặc biệt, hình của nội soi TMH có thể được ghi lại để tiện cho việc theo dõi bệnh về sau.
- Đây là kỹ thuật được sử dụng ở Việt Nam từ năm 2000, sau đó dần trở nên phổ biến tại các Bệnh viện tỉnh( từ năm 2005). Kỹ thuật nội soi TMH đã giúp các bác sỹ chấm dứt thời kỳ khám TMH bằng các vật dụng đơn giản như đèn pin, đè lưỡi....Những vật dụng này chỉ có thể giúp bác sỹ nhìn thấy phần nông của bệnh mà rất khó đưa ra chẩn đoán chính xác.
2. Khi nào cần thực hiện nội soi TMH cho trẻ?
Nội soi TMH được thực hiện khi trẻ gặp vấn đề về tai, mũi, họng và cần kiểm tra để biết được tình trạng của các bộ phận này. Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ cần được nội soi TMH:
+ Trẻ bị đau tai, ù tai, chảy mủ trong tai, ngứa tai, nghe kém,...
+ Trẻ có triệu chứng của viêm xoang: Hắt hơi, chảy mũi, nghẹt mũi, nhức mũi, đau đầu kéo dài....
+ Thường xuyên bị chảy máu mũi.
+ Viêm V.A: Ngạt mũi, ngủ ngáy, nằm sấp để ngủ, chảy mũi xanh kéo dài...
+ Khàn tiếng, nói mệt, hụt hơi, nuốt vướng...
+ Trẻ nghi bị dị vật ở tai; mũi; họng.
3.Những lưu ý các bậc phụ huynh cần biết:
- Mặc dù có nhiều ưu điểm xong phương pháp nội soi có thể có những sự cố xảy ra. Đó là khi trẻ lo sợ, khóc lặng, tím tái, nôn trớ, quẫy đạp, la hét, không hợp tác hoặc trượt tay của phụ huynh trong lúc giữ trẻ nên có thể xảy ra xây xát chảy máu do va chạm với ống nội soi, dụng cụ đè lưỡi khi đang thực hiện kỹ thuật.
- Để khắc phục và phòng ngừa sự cố này: 
* Đối với trẻ lớn: Khi chuẩn bị nội soi cần được hướng dẫn và tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Vì thời gian nội soi không quá lâu nên bệnh nhân cần ngồi yên, không được cử động đầu, cúi hay xoay chuyển người đột ngột trong khi đang thực hiện nội soi.
* Đối với trẻ nhỏ: do các em chưa nhận thức được đầy đủ nên các bậc phụ huynh cần bế trẻ theo hình ảnh hướng dẫn:
 
nstmh
+ Mẹ bế trẻ ngồi lên ghế nội soi, dựa lưng trẻ vào người mẹ.
+ Tay phải mẹ đặt lên trán giữ đầu trẻ.
+ Tay trái mẹ ôm ngang bụng giữ chặt 2 tay trẻ. 
+ Kẹp khóa 2 chân trẻ vào 2 chân mẹ.
* Đối với trẻ sơ sinh: Chỉ định nội soi TMH hạn chế, tuy nhiên nếu cần thiết các bác sỹ vẫn có thể cho chỉ định nội soi và  nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cụ thể cho người trực tiếp bế trẻ. 
- Khi xảy ra sự cố không mong muốn thì các bậc phụ huynh cần bình tĩnh hợp tác với bác sỹ để có phương án cấp cứu, xử trí kịp thời.
Bệnh viện hy vọng các bậc phụ huynh sẽ phối hợp tốt với nhân viên y tế.
                                                                 Trân trọng !

Tác giả bài viết: Khoa Khám bệnh

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây