Trong một số trường hợp, đặc biệt là nếu có vấn đề sức khỏe cơ bản hoặc trẻ sơ sinh đẻ non, viêm tiểu phế quản có thể trở nên nghiêm trọng và phải nhập viện.
Nhận biết bệnh
Có tới 90% các trường hợp viêm tiểu phế quản là do virus gây ra. Các virus hay gặp gồm: Adenovirus, corona virus, virus cúm A, B, metapneumovirus, RSV, rhinovirus… Vi khuẩn hiếm gặp hơn, có thể là: Ho gà, chlamydia pneumonia, Mycoplasma pneumonia… Viêm tiểu phế quản có thể lây qua đường hô hấp thông qua các giọt dịch tiết (nước mũi, nước miếng, đờm...) mà trẻ bệnh thải ra, trẻ khác hít vào hoặc chạm vào rồi đưa lên miệng mũi.
Khi bị viêm tiểu phế quản, không có các dấu hiệu đặc trưng bởi các triệu chứng của bệnh thường giống và cũng gặp ở các bệnh viêm đường hô hấp khác. Tuy nhiên các bác sĩ có kinh nghiệm sẽ nhận biết được trẻ có mắc bệnh không qua khám bệnh. Các dấu hiệu thường gặp như: Ho, có thể có đờm hoặc không đờm; sốt cao hoặc nhẹ, sốt cơn hoặc liên tục, thậm chí là có trẻ không bị sốt; viêm long hô hấp trên gây sổ mũi nghẹt mũi; đờm tiết ra nhiều, có thể có màu xanh, vàng hay trắng; thở khò khè, thở nhanh; trẻ biếng ăn...
Hình ảnh tiểu phế quản bình thường và bị viêm.
Điều trị viêm tiểu phế quản như thế nào?
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em có tới trên 90% là do virus, do đó việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh là không cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế lâm sàng có tới 90% các đơn thuốc với chẩn đoán viêm phế quản có sử dụng kháng sinh. Liệu pháp kháng sinh chỉ dùng khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn như: Tổng trạng xấu, sốt kéo dài, nghi ngờ ho gà (để tránh lây lan) và ở những trẻ có nguy cơ cao bị viêm phổi; trẻ bị suy giảm miễn dịch...
Việc điều trị viêm phế quản xoay quanh hai vấn đề: Điều trị triệu chứng và liệu pháp kháng sinh (khi cần).
Điều trị triệu chứng:
Hạ sốt: Mặc dù các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, nếu để trẻ sốt ở mức độ vừa phải bệnh sẽ nhanh khỏi hơn là cố tình hạ sốt bằng mọi giá. Tuy nhiên, khi trẻ sốt cao cần phải hạ sốt để tránh các biến chứng có thể gặp. Có 2 loại thuốc hạ sốt quan trọng được dùng cho trẻ là acetaminophen (paracetamol) và ibuprofen. Nhưng với thuốc ibuprofen chỉ được sử dụng khi có hướng dẫn của bác sĩ. Nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao từ 38,5 độ trở lên. Tuyệt đối không dùng aspirin để hạ sốt cho trẻ em bởi thuốc có nhiều tác dụng phụ. Lau mát để giúp hạ sốt cho trẻ cũng là một biện pháp nhưng không được khuyến cáo thường quy, chỉ nên dùng khi trẻ sốt cao dùng thuốc hạ sốt không bớt và khoảng cách giữa các cơn sốt dày hơn khoảng thời gian chỉ định uống thuốc. Hiện nay, một số phụ huynh rất thích dùng miếng dán hạ sốt cho trẻ, nhưng đây là biện pháp không có hiệu quả.
Bổ sung vitamin C tăng sức đề kháng cho trẻ.
Điều trị ho: FDA (Cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ) và AAP (Viện hàn lâm nhi khoa Hoa Kỳ) khuyến cáo là không nên dùng thuốc giảm ho cho trẻ em dưới 2 tuổi. Bởi ho là một phản xạ có lợi để tống đờm, vi khuẩn ra ngoài. Tuy nhiên, khi trẻ ho nhiều dẫn đến nôn ói, mất ngủ... phụ huynh có thể áp dụng một số cách an toàn như: Massage gan bàn chân, uống mật ong nguyên chất pha với nước ấm. Nếu phải dùng thuốc thì nên chọn sản phẩm thảo dược. Thường trẻ chỉ ho nhiều trong tuần đầu sau đó sẽ giảm dần và tự khỏi.
Viêm tiểu phế quản ở trẻ em có tới trên 90% là do virus, do đó việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh là không cần thiết.
Thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi: Không nên dùng các thuốc kháng histamine và các thuốc chống sung huyết mũi để làm thông, khô mũi trẻ vì nhóm này nguy cơ tác dụng phụ cao, đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi. Nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ. Cần phun hơi ẩm trong phòng có thể giúp trẻ bớt khô mũi. Không cần khí dung nước muối hoặc thuốc giãn phế quản nếu trẻ không có khò khè, hoặc khò khè nhưng không đáp ứng với thuốc giãn phế quản.
Thuốc làm loãng đờm: Trên thị trường có rất nhiều loại thuốc có tác dụng làm loãng đờm, giảm độ dính của đờm như acetylcystein, bromhexin, carbocystein… Tuy nhiên hiệu quả của những thuốc này ở trẻ em khá hạn chế. Thuốc chỉ phát huy tác dụng khi trẻ được uống đủ nước, mà bản thân nước đã giúp làm loãng đờm tốt rồi, vì vậy khuyến khích trẻ uống nhiều nước là một biện pháp điều trị hỗ trợ quan trọng.
Khí dung thuốc giãn phế quản: Khi trẻ có hiện tượng khò khè do co thắt phế quản có thể bác sĩ sẽ kê cho trẻ thuốc giãn phế quản khí dung (ventolin). Tuy nhiên chỉ tiếp tục khí dung nếu tình trạng khò khè có cải thiện phần nào sau lần khí dung đầu tiên. Do vậy nên khí dung tại cơ sở y tế và bác sĩ sẽ đánh giá hiệu quả của thuốc. Không nên sử dụng các thuốc giãn phế quản đường uống vì hiệu quả thấp mà lại có tác dụng phụ như: Run tay, hồi hộp đánh trống ngực, đỏ mặt...
Làm sạch mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Thuốc kháng virus: Nói chung là thuốc kháng virus không được khuyến cáo sử dụng thường quy trong bệnh viêm tiểu phế quản. Tuy nhiên, tùy trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ có thể cân nhắc nếu nghi ngờ trẻ bị viêm tiểu phế quản do virus cúm.
Liệu pháp kháng sinh: Chỉ được sử dụng khi trẻ có biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, viêm phổi... Những trường hợp này cần phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa hô hấp nhi.
Dự phòng bệnh trong mùa dịch
Việc phòng bệnh viêm tiểu phế quản cho trẻ em bao gồm: Không cho trẻ tiếp xúc gần với người đang có biểu hiện viêm đường hô hấp; rửa tay thường xuyên bằng xà bông cho trẻ và người chăm sóc trẻ, huấn luyện trẻ không mút tay, ngậm đồ chơi vì đây là con đường lây bệnh rất quan trọng; hướng dẫn trẻ khi ho phải ho vào khăn hoặc che miệng để hạn chế phát tán virus ra ngoài, vệ sinh nhà cửa, bàn ghế, đồ chơi, quần áo cho trẻ thật sạch...
Mút tay là nguồn lây bệnh phổ biến ở trẻ.
Giữ ấm cho trẻ vào mùa đông. Nếu muốn bổ sung vi chất để tăng cường sức khỏe như kẽm, vitamin C thì cần có sự hướng dẫn của bác sĩ. Nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, đa dạng thực phẩm và đặc biệt uống nhiều nước. Vứt khăn giấy đã dùng kịp thời, sau đó rửa tay hoặc sử dụng chất rửa tay. Sử dụng ly, bát, thìa... riêng, ưu tiên sử dụng các vật dụng chỉ dùng một lần. Một cách dự phòng bệnh tốt nhất đó là tiêm chủng đầy đủ các mũi cúm, phế cầu, HiB…