Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

NHIỄM TRÙNG HUYẾT (SEPSIS) Ở TRẺ EM

Thứ sáu - 15/09/2023 09:30 860 0
. Đặt vấn đề
Nhiễm trùng huyết (Sepsis) là tình trạng bệnh lý nặng, đe doạ tính mạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể đáp ứng quá mức với nhiễm trùng. Quá trình đáp ứng viêm mạnh mẽ này sẽ làm tổn thương các mô và cơ quan. Khi rối loạn chức năng các cơ quan đặc biệt là hệ tuần hoàn sẽ làm giảm khả năng tưới máu, cung cấp oxy đến mô, do đó sẽ làm nặng hơn tình trạng bệnh lý của người bệnh. Nếu không được nhận biết sớm và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến sốc, suy đa tạng và tử vong.
Ước tính mỗi năm, trên toàn cầu có khoảng 47 triệu – 50 triệu người mắc và khoảng 11 triệu người tử vong do nhiễm trùng huyết, trong đó tỷ lệ mắc ở trẻ em dưới 5 tuổi chiếm khoảng hơn 40% (20 triệu trẻ) và tử vong chiếm khoảng 25-30% (khoảng 3 triệu trẻ). Tuỳ theo mỗi quốc gia và khu vực, tỷ lệ tử vong có thể dao động từ 15% đến trên 50%. Khoảng 85% trường hợp mắc và tử vong do nhiễm trùng huyết xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là các nước ở khu vực châu Phi và Đông Nam Á. Ngoài ra, người bệnh cũng phải chịu nhiều di chứng của nhiễm trùng huyết suốt phần đời còn lại.
II. Các căn nguyên gây nhiễm trùng huyết thường gặp
Căn nguyên gây nhiễm trùng huyết bao gồm virus, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Các căn nguyên ở trẻ em phụ thuộc vào lứa tuổi, bệnh nền, vùng địa lý bao gồm:
- Các căn nguyên vi khuẩn ở trẻ khoẻ mạnh: Haemophilus influenzae type B (Hib); Streptococcus pneumoniae (Phế cầu); Neisseria meningitidis (Não mô cầu); Staphylococcus aureus (Tụ cầu); Streptococcus pyogenes (Liên cầu).
- Với trẻ suy giảm miễn dịch, nằm viện kéo dài, bên cạnh các căn nguyên đã đề cập ở trên thì còn có thể gặp: Các nhóm vi khuẩn gram (-) đường ruột, các vi khuẩn gram (-) như Pseudomonas, Acinetobacter và Burkholderia species; Staphylococcus aureus kháng Methicillin.
- Ngoài ra, các loại virus như Cúm, Adenovirus, Coronavirus cũng là nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng huyết ở trẻ nhỏ và trẻ suy giảm miễn dịch.
Các căn nguyên thường gặp
Hình: Các căn nguyên thường gặp
III. Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp
- Nhiễm trùng huyết là một cấp cứu y tế. Nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng khác nhau vào những thời điểm khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp ở trẻ em bao gồm: 
+ Mệt mỏi, kiệt sức
+ Thay đổi ý thức: lú lẫn, li bì khó đánh thức, hôn mê
+ Sốt hoặc hạ nhiệt độ
+ Thở nhanh, khó thở, cảm giác ớn lạnh
+ Nhịp tim nhanh, mạch yếu hoặc huyết áp thấp
+ Da tái nhợt, ẩm ướt và vã mồ hôi hoặc nổi vân tím
+ Tiểu ít
+ Ở trẻ dưới 5 tuổi có thể gây: bú kém, nôn thường xuyên
- Lưu ý: Nếu nghi ngờ hoặc đã xác định trẻ có tình trạng nhiễm trùng và xuất hiện một trong những triệu chứng trên thì cần nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
IV. Các yếu tố nguy cơ
Mọi trẻ em đều có thể mắc nhiễm trùng huyết, bất kể tình trạng sức khoẻ, thể trạng và điều kiện sống. Tuy nhiên, một số nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm:
- Trẻ dưới 1 tuổi
- Người bệnh đã cắt lá lách
- Người có bệnh lý mạn tính về hô hấp, tim mạch, ung thư, thần kinh cơ, ghép tuỷ
- Người bệnh suy giảm miễn dịch
- Người mới phẫu thuật
V. Các biện pháp phòng ngừa
Nhiễm trùng huyết có thể được ngăn ngừa bằng cách điều trị nhiễm trùng sớm và vệ sinh tốt tại nhà cũng như tại cơ sở chăm sóc sức khỏe. Cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm trùng huyết là tránh nhiễm trùng. Các bước bao gồm:
+ Nâng cao nhận thức của cộng đồng
+ Vệ sinh cá nhân tốt, như rửa tay và chuẩn bị thức ăn an toàn
+ Sử dụng nước sạch, không sử dụng nhà vệ sinh không hợp vệ sinh
+ Tiêm vắc xin theo khuyến cáo
+ Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh
+ Nuôi con bằng sữa mẹ cho trẻ sơ sinh.
+  Các bệnh viện và phòng khám nên tuân theo các quy tắc hiệu quả để phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng. Thuốc kháng sinh nên được sử dụng hợp lý để điều trị nhiễm trùng.

Tài liệu tham khảo:
1.  https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/sepsis
2. Gotts, Jeffrey E., and Michael A. Matthay. “Sepsis: pathophysiology and clinical management”. Bmj 353 (2016).
3. World Health Organization. “Global report on the epidemiology and burden of sepsis: current evidence, identifying gaps and future directions”. (2020).
4. Prescott, Hallie C., and Derek C. Angus. “Postsepsis morbidity”. Jama 319.1 (2018): 91-91.

Người viết: BS Hoàng Tiến Thành – Trưởng khoa Hồi sức tích cực

Tác giả bài viết: BS Hoàng Tiến Thành – Trưởng khoa Hồi sức tích cực

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây