1. Như thế nào là một trẻ bị dậy thì sớm?
Dậy thì sớm là sự xuất hiện những biểu hiện về thể chất và hormone của tuổi dậy thì ở lứa tuổi sớm hơn bình thường (dưới 8 tuổi ở trẻ gái và dưới 9 tuổi ở trẻ trai), do sự hoạt hóa trung tâm dậy thì gây ra tình trạng kích thích sớm toàn bộ trục hạ đồi- tuyến yên- tuyến sinh dục. Thường gặp ở trẻ gái, > 90% là vô căn.
2. Nguyên nhân hay gặp của dậy thì sớm là gì?
Dậy thì sớm được chia thành 2 loại: Dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại vi
* Dậy thì sớm trung ương: > 90% là vô căn.
Phát sinh do nồng độ GnRH trong cơ thể tăng quá cao, làm cho sự bài tiết của hormone sinh dục vượt quá mức bình thường. Hormone GnRH là hormone do tuyến yên tiết ra, có tác dụng phát tín hiệu cho các tuyến sinh dục nằm trong buồng trứng của bé gái và tinh hoàn của bé trai sản xuất các hormone giới tính chịu trách nhiệm về những thay đổi thể chất ở tuổi dậy thì.
Những bất thường thần kinh trung ương: hiếm gặp, bao gồm:
+ Hamartomas vùng dưới đồi
+ Khối u: u tế bào hình sao,u thần kinh đệm, u tế bào mầm tiết HCG
+ Tổn thương thần kinh mắc phải do viêm nhiễm, phẩu thuật, chấn thương, xạ trị hoặc áp xe.
+ Bất thường bẩm sinh: não úng thủy, nang màng nhện, nang trên hố yên
* Dậy thì sớm ngoại biên
Phát sinh do sự tăng cao nồng độ của hormone sinh dục như androgen và estrogen ở một số bộ phận của cơ thể như tinh hoàn, buồng trứng, tuyến thượng thận, tuyến yên. Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này là:
+ Có khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên
+ Khối u buồng trứng
+ U nang buồng trứng
+ Tăng sản thượng thận bẩm sinh (một nhóm các rối loạn di truyền hiếm gặp do rối loạn tổng hợp hormone vỏ thượng thận)
+ Hội chứng McCune-Albright – một rối loạn di truyền ảnh hưởng đến xương, da và nội tiết tố.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ như:
+ Tiếp xúc với hormone giới tính dưới dạng kem hoặc thuốc mỡ
+ Tiêu thụ một số chất làm tăng nguy cơ dậy thì sớm
+ Béo phì
+ Do xạ trị
3. Những dấu hiệu nào của bé mà ba mẹ cần nghĩ đến dậy thì sớm?
Khi bé có một trong các dấu hiệu sau ở độ tuổi: bé gái < 8 tuổi, bé trai < 9 tuổi
* Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé gái:
- Ngực phát triển
- Mọc lông mu hoặc lông nách
- Thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài
- Bắt đầu có kinh nguyệt.
* Dấu hiệu dậy thì sớm ở bé trai:
- Dương vật và tinh hoàn phát triển
- Tóc, lông nách và lông ở vùng kín bắt đầu xuất hiện
- Tăng trưởng chiều cao
- Vỡ giọng
- Mụn trứng cá xuất hiện
- Cơ thể có mùi.
4. Các xét nghiệm có giá trị chẩn đoán khi trẻ bị dậy thì sớm:
- Xét nghiêm chẩn đoán thường quy:
+ LH, FSH, testosterone (trẻ trai), oestradiol (trẻ gái) (bệnh phẩm huyết thanh).
+ DHEAS, androstenendione, 17-hydroxyprogesterone (bệnh phẩm huyết thanh).
+ Chức năng tuyến giáp: T3, T4, TSH (bệnh phẩm huyết thanh).
+ Tuổi xương dựa vào X-quang xương cổ bàn tay trái.
+ Siêu âm vùng chậu, siêu âm tuyến thượng thận và tinh hoàn.
- Nghi ngờ khối u hoặc những bất thường ở hệ thần kinh trung ương:
+ Prolactin, α fetoprotein, β hCG.
+ MRI não.
+ Thử nghiệm động: Thử nghiệm kích thích GnRH.
5. Dậy thì sớm ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?
– Các trẻ dậy thì sớm bắt đầu tăng vọt chiều cao sớm cũng sẽ ngừng phát triển sớm hơn. Nếu không được điều trị, cho dù trẻ cao nhất lớp, vẫn có thể thấp nhất lớp về sau. Điều trị sẽ giúp làm chậm quá trình dậy thì của trẻ, làm ngưng hoặc giảm tốc độ tăng trưởng của tuổi xương, nghĩa là trẻ có nhiều thời gian hơn để đạt chiều cao tốt hơn khi trưởng thành. Tuy nhiên, nếu bé được chẩn đoán muộn, khi gần kết thúc dậy thì, việc điều trị với mục tiêu làm tăng chiều cao khi trưởng thành sẽ không đạt được.
– Trẻ gái có bệnh dậy thì sớm có thể thay đổi tính khí và có cảm xúc buồn chán trong khi trẻ quá nhỏ để hiểu và đối phó với những thay đổi này. Trẻ cũng có thể bị trêu ghẹo hoặc bị bắt nạt ở trường vì trẻ khác với các bạn trong lớp. Điều trị sẽ trì hoãn hoặc giảm phát triển thể chất, điều đó góp phần làm giảm gánh nặng tâm lý cho trẻ.
6. Trẻ dậy thì sớm được điều trị như thế nào?
- Điều trị nguyên nhân khi có nguyên nhân. Đặc biệt harmatome hạ đồi kích thước nhỏ < 3mm, không biến chứng xem xét chỉ định dùng thuốc ức chế tiết GnRH.
- Dùng thuốc ức chế tiết GnRH trong các trường hợp dậy thì sớm trung ương nguyên phát. Thuốc thường được tiêm vào trong cơ (tiêm bắp sâu). Có 2 loại: tiêm 1 mũi tác dụng kéo dài 28 ngày hoặc tiêm một mũi tác dụng kéo dài trong 3 tháng.
- Đánh giá lại các thay đổi về đặc tính dậy thì mỗi 3-6 tháng:
+ Cân nặng, chiều cao, tốc độ tăng trưởng, BMI
+ Kích thước tuyến vú, thể tích tinh hoàn, lông mu.
+ LH, estrogen, testosterone
- Đánh giá lại tuổi xương sau 6 tháng đầu điều trị, và sau đó là mỗi năm.
- Tác dụng phụ.
- Chỉ định ngưng thuốc:
+ Tuổi thực từ 10,5 đến 11,5 tuổi hoặc tuổi xương đủ 12 tuổi.
+ Có tác dụng phụ
- Sau khi ngừng thuốc:
+ Các đặc tính sinh dục sẽ phát triển trở lại trong vài tháng.
+ Trẻ gái: kinh nguyệt bắt đầu hoặc sẽ có trở lại sau 12 đến 18 tháng, vẫn có sự rụng trứng và mang thai như các trẻ khác.
+ Trẻ trai: vẫn có sự sản xuất tinh trùng bình thường.
Bệnh viện nhi Thái Bình có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, trang thiết bị y tế đầy đủ, để khám, chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin xin liên hệ hotline 1900888662 để được hỗ trợ.
Nguồn tin:
[1]: Quyết định 3312/QĐ-BYT, ngày 07/8/2015 Về việc ban hành Hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, trang 648.
Tác giả bài viết: Phòng KHTH
Ý kiến bạn đọc