Các thương tích do pháo, vật liệu nổ gây ra có thể khiến nạn nhân mang thương tật suốt đời, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, nghiêm trọng hơn là tử vong. Hàng năm, cứ mỗi dịp tết đến thì các tai nạn này càng trở nên báo động.
Trường hợp cụ thể:
Tối ngày 13/1 khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Thái Bình vừa tiếp nhận trường hợp trẻ 14 tuổi nhập viện vì tai nạn liên quan đến pháo nổ. Theo lời mẹ và trẻ, trẻ nghịch pháo không rõ nguồn gốc ở tại nhà, pháo nổ vào tay trái, sau nổ dập nát bàn tay trái, trẻ đau nhiều, gia đình đưa vào bệnh viện huyện xử trí giảm đau, băng bó vết thương, chuyển bệnh viện Nhi Thái Bình trong tình trạng: vết thương hở bàn tay trái, tổn thương lộ xương, dập nát toàn bộ phần mềm ngón II, mất da nhiều vị trí bẩn khói thuốc nổ, vết thương đầu xa ngón I, 2 vết thương lòng bàn tay, mỗi vết 2 cm, lộ xương ngón trỏ bàn tay trái. Trẻ đã được xử trí cắt lọc tổ chức dập nát, làm sạch vết thương, khâu vết thương hở, tháo bỏ đốt giữa và đốt xa ngón II và tạo mỏm cụt.
Ảnh 1: Vết thương bàn tay trái của bệnh nhân khi nhập viện
Ảnh 2: Bàn tay của bệnh nhân sau xử trí tại bệnh viện Nhi Thái Bình
Khuyến cáo người dân
Người dân không tự ý chế tạo hoặc sử dụng pháo nổ trái phép, đặc biệt là pháo tự chế. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Người dân cần nâng cao ý thức, tuyệt đối không mua bán, sử dụng pháo lậu và cần hướng dẫn con em tránh xa các hành động nguy hiểm này để bảo vệ an toàn cho bản thân và cộng đồng.
Tác giả bài viết: ThS.BS. Đặng Thị Thùy Dương - Phó khoa Cấp cứu