Thoát vị hoành sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Dị tật này không hiếm gặp ở thai nhi nhưng lại là một trong những dị tật có nguy cơ tử vong cao. Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường chiếm tỉ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỉ lệ tử vong từ 30 - 50%. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột già, ruột non, lách, gan. Thoát vị hoành xuất hiện càng sớm, mức độ nguy hiểm càng cao, thậm chí thai dưới 16 tuần bị thoát vị hoành thì phổi không phát triển được gây thiểu sản phổi, thành động mạch phổi dày lên gây tăng áp lực phổi nặng, có thể gây tử vong.
Lúc 22h30’ ngày 20/10/2022, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận một bé gái sơ sinh 35 giờ tuổi trong tình trạng suy hô hấp nặng: tím toàn thân, thở nhanh, thở nấc, rút lõm lồng ngực. Theo người nhà, trẻ được sinh mổ vào ngày 19/10/2022 ở một bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, cân nặng 2800gr, sau sinh trẻ biểu hiện tình trạng suy hô hấp nên đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Thái Bình. Sau khi được ê-kíp trực cấp cứu đặt nội khí quản, hồi sức tích cực, chuyển về đơn vị Hồi sức tích cực thở máy và hội chẩn viện mổ cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật, theo ghi nhận của Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Ngoại Chấn thương Bệnh viện Nhi Thái Bình, trẻ bị thoát vị hoành nặng, lỗ thoát vị lớn, toàn bộ ruột non, đại tràng ngang, lách theo lỗ thoát vị lên khoang lồng ngực làm nhu mô phổi trái xẹp, kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật trả các tạng thoát vị về ổ bụng và thực hiện khâu phục hồi cơ hoành trái cho trẻ. Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ đã thành công tốt đẹp, giúp trẻ thoát khỏi tình trạng nguy hiểm tính mạng. Sau đó trẻ được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Nhi Thái Bình và cho tiến triển sức khỏe tốt.
Kíp mổ do BSCKII Nguyễn Đức Thành; Thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Phương; BS Phan Thành Minh; Bác sĩ gây mê Nguyễn Hữu Quyền, Nguyễn Cửu Mạnh Cường cùng các kĩ thuật viên phụ mê, điều dưỡng Bệnh viện Nhi Thái Bình thực hiện.
Đây là một trong nhiều trường hợp dị tật sơ sinh được cứu sống tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. Để thực hiện thành công những trường hợp này, bệnh viện đã xây dựng một đội ngũ bác sĩ cấp cứu, hồi sức sơ sinh, phẫu thuật viên và gây mê thực sự lành nghề cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ.
Qua đây, cũng cần thấy rằng bên cạnh việc chẩn đoán và điều trị phẫu thuật kịp thời, việc chẩn đoán tiền sản cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng xử trí, điều trị ngay vừa mới sinh ra. Với sự phát triển của siêu âm, chẩn đoán thoát vị hoành bẩm sinh trước sinh bằng siêu âm chính xác đến 40-90% các trường hợp. Vì vậy, các bà mẹ mang theo dõi thai ngắn thường xuyên, phát hiện sớm các dị tật, đến những cơ sở y tế có khả năng phẫu thuật dị tật ngay sau sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ tử vong của các trẻ này.