Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, phòng tiêm chủng vắc xin của Bệnh viện Nhi Thái Bình liên tục tiếp nhận các ca bệnh tiêm phòng chậm trễ tại vắc xin phòng bệnh dại sau khi bệnh nhân bị chó cắn. Đây thực sự là một vấn đề đáng cảnh báo!
Định nghĩa:
- Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do vi rút, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh.
- Thời kỳ lây truyền ở chó nhà là từ 3-7 ngày (tối đa là 10 ngày) trước khi chó có triệu chứng dại và trong suốt thời kỳ phát bệnh.
Xử lý vết thương khi như thế nào?
- Xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước và xà phòng, hoặc nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45°-70° hoặc cồn i ốt để làm giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn.
- Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Trường hợp bắt buộc phải khâu thì nên trì hoãn khâu vết thương sau vài giờ đến 3 ngày và nên khâu ngắt quãng/bỏ mũi sau khi đã tiêm phòng bế huyết thanh kháng dại vào tất cả các vết thương.
- Tùy trường hợp cụ thể có thể sử dụng kháng sinh và tiêm phòng uốn ván.
Việc chậm trễ có thể từ những quan điểm sai lầm như:
- Bệnh dại chỉ lây truyền qua vết cắn có chảy máu của động vật.
- Động vật đã tiêm phòng dại cắn thì không sao.
- Tự ý điều trị bằng phương pháp "truyền miệng" (phép thử).
- Tự ý theo dõi chó, mèo đến khi cho mèo có biểu hiện bất thường mới đi tiêm phòng.
- Tâm lý lo ngại về tác dụng phụ ảnh hưởng đến trí nhớ đến thần kinh của vắc xin phòng bệnh dại
Thực hư về tác dụng phụ của vắc xin phòng bệnh dại?
Hiện giờ tất cả vaccine đều dùng vaccine mới và công nghệ tế bào. Các vaccine này đều an toàn cho người lớn, trẻ em và kể cả phụ nữ mang thai. Cho nên vaccine này có thể chỉ định cho tất cả các đối tượng. Chúng ta hoàn toàn yên tâm và không có gì phải lo lắng việc ảnh hưởng đến người được tiêm sau này. Việc dùng vắc xin dại hoặc dùng cả vắc xin và huyết thanh kháng dại sẽ được chỉ định tuỳ theo tình trạng động vật, vết cắn, tình hình bệnh dại ở địa phương
Ngoài ra, để phòng chống bệnh Dại hiệu quả, bên cạnh việc tiêm vắc xin phòng dại khi bị chó, mèo cắn thì người dân cần có ý thức quản lý đàn chó, mèo và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Thêm vào đó, trẻ em cần được hướng dẫn cách hạn chế bị động vật cắn và trẻ phải báo ngay cho người lớn nếu bị chó mèo cắn. Cần lưu ý, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc nam, biện pháp dân gian như lấy nọc để điều trị hoặc dùng các phép thử.
Với các thông tin trên, mong rằng sẽ giúp các người dân, các bậc phụ huynh có thêm các các kiến thức bổ ích giúp phòng tránh được bệnh tật và bảo vệ sức khỏe cho cả cả gia đình mình!