1. Béo phì là gì?
Thừa cân: là tình trạng cân nặng vượt quá cân nặng “nên có” so với chiều cao.
Béo phì: là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự tích lũy mỡ thái quá và không bình thường một cách cục bộ hay toàn thể tới mức ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Đánh giá béo phì không chỉ tính đến cân nặng mà còn quan tâm đến tỷ lệ mỡ của cơ thể.
Béo phì được coi là bệnh vì nó chính là yếu tố nguy cơ mắc bệnh mạn tính không lây và là yếu tố nguy cơ tử vong.
2. Tiêu chuẩn đánh giá béo phì ở trẻ em:
* Dựa vào chỉ số cân nặng, chiều cao, độ dày lớp mỡ dưới da, sự phân bố mỡ trong cơ thể.
Cân nặng/tuổi > 3SD (trẻ <5 tuổi).
Chỉ số cân nặng/chiều cao >2Z-score hoặc 2SD.
Đánh giá béo phì có thể dựa vào cân nặng/chiều cao (CN/CC) tăng ít nhất trên 20% so với bình thường hoặc % mỡ của cơ thể > 25% ở trẻ nam và 32% ở trẻ nữ (tỷ lệ mỡ chỉ đo ở trẻ >10 tuổi).
* BMI: chỉ số khối cơ thể BMI được tính theo giới và tuổi của trẻ.
Chỉ số BMI ≥ 85 percentile là thừa cân.
Béo phì xác định khi BMI theo tuổi và giới của trẻ ≥ 95 percentile, hoặc BMI ≥ 85 percentile cộng thêm bề dày lớp mỡ dưới da cơ tam đầu và vùng dưới xương bả vai ≥ 90 percentile.
BMI = cân nặng (kg)/chiều cao2 (m2)
3. Nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em?
* Do mất cân bằng năng lượng: Tăng lượng thu vào nhiều hơn nhu cầu của cơ thể hoặc/ và giảm lượng tiêu hao trong thời gian dài làm tăng tích tụ mỡ trong cơ thể đặc biệt là ở bụng, mông, đùi và vai. Dạng béo phì đơn thuần thường gặp ở những trẻ béo phì háu ăn, ít hoạt động và giảm chuyển hoá thân nhiệt. Trẻ béo phì thường cao hơn ở lứa tuổi trước dậy thì, nhưng lâu dài trẻ ngừng tăng trưởng sớm và có chiều cao trung bình thấp ở tuổi trưởng thành.
* Béo phì thứ phát thường gặp trong các bệnh lý nội tiết, bệnh lý di truyền, do dùng thuốc,...
- Béo phì do suy giáp trạng: Béo toàn thân, lùn, da khô và thiểu năng trí tuệ.
- Béo do cường năng tuyến thượng thận (U nam hóa vỏ thượng thận): Béo bụng, da đỏ có vết rạn, nhiều trứng cá, huyết áp cao.
- Béo phì do thiểu năng sinh dục: Thường gặp trong 1 số hội chứng: Prader-Willi béo bụng, lùn, thiểu năng trí tuệ và hay gặp tinh hoàn ẩn. Lorence Moon Biel béo đều toàn thân, đái nhạt, thừa ngón và có tật về mắt
- Béo phì do các bệnh về não: Thường gặp do các tổn thương vùng dưới đồi, sau di chứng viêm não. Béo thường có kèm theo thiểu năng trí tuệ hoặc có triệu chứng thần kinh khu trú.
- Béo phì do dùng thuốc: Uống Corticoid kéo dài trong điều trị bệnh hen, bệnh khớp, hội chứng thận hư hoặc vô tình uống thuốc đông y có trộn lẫn corticoid để điều trị chàm, dị ứng và hen. Đặc điểm béo của hội chứng Cushing, béo bụng là chủ yếu và không tìm thấy nguyên nhân trừ khai thác bệnh sử có sử dụng thuốc corticoid.
4. Hậu quả của thừa cân, béo phì ở trẻ em
Hầu hết các hậu quả lâu dài của trẻ béo phì là dai dẳng cho đến khi thanh niên (70% béo phì trẻ em tồn tại đến người lớn), là loại béo phì khó điều trị, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Béo phì ở trẻ em nếu không phòng ngừa, điều trị sớm sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội và y tế.
Người lớn béo phì có tiền sử từ nhỏ, có nguy cơ mắc các bệnh (Cao huyết áp, tai biến mạch não, tăng cholesterol dẫn tới nhồi máu cơ tim, tiểu đường, mắc các bệnh xương khớp. Có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư, giảm tuổi thọ ở người lớn.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng, ảnh hưởng tâm lý xã hội.
Biến chứng gan và dạ dày.
Các biến chứng liên quan đến giải phẫu: Bệnh Blount (một xương dị dạng do phát triển quá mạnh xương chày); dễ bị tổn thương do va chạm như bong gân đầu gối, mắt cá chân.
Biến chứng khác: Ngừng thở khi ngủ, bệnh não là bệnh hiếm gặp liên quan đến tăng áp lực nội sọ não đòi hỏi đến bác sĩ ngay.
5. Điều trị béo phì ở trẻ em như thế nào?
* Xây dựng chế độ ăn hợp lý:
Những điều nên làm:
- Xây dựng thực đơn khẩu phần ăn cân đối, hợp lý. Phối hợp nhiều loại thức ăn trong một bữa, khẩu phần ăn vẫn phải đủ các chất dinh dưỡng.
- Nên uống sữa không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy.
- Hạn chế các món quay, xào. Hạn chế mỡ không quá 25-30% tổng năng lượng.
- Nên ăn đều đặn các bữa, tránh bỏ bữa.
- Không để trẻ quá đói (vì nếu trẻ bị đói, trẻ bị đói trẻ sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau làm mỡ tích lũy nhanh hơn).
- Nên ăn nhiều vào buổi sáng, giảm ăn về buổi chiều và tối.
- Nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt.
- Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ. Chọn ngũ cốc hoặc bánh mì có ít hoặc không có chất béo.
- Nhai kỹ và cho trẻ ăn chậm, giúp trẻ cảm nhận đƣợc no và sẽ ngừng ăn khi no. Nếu ăn quá nhanh thì sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết.
- Gia đình nên ăn cùng nhau bất cứ lúc nào có thể. Tạo ra thời gian trong bữa ăn là thời gian thoải mái, trao đổi và chia sẻ những việc đã xảy ra trong ngày.
- Chế độ ăn của trẻ phải cân bằng về năng lượng (calo) để giúp cho sự tăng trưởng và phát triển để có cơ thể khỏe mạnh, ăn đa dạng thức ăn. Không ăn thực phẩm ăn nhanh, nếu có thể không quá 1 tuần/lần. Nên kiểm soát cả những bữa ăn bên ngoài ( ví dụ như ăn ở trường học…) để đảm bảo cân bằng
Những điều không nên làm:
- Hạn chế các loại đường, kẹo, sữa đặc có đường.
- Tránh cho trẻ nhai kẹo cao su làm cho trẻ lúc nào cũng muốn nhai.
- Không nên ăn vào lúc trƣớc khi đi ngủ.
Tăng năng lượng tiêu hao cho hoạt động thể lực: Mục tiêu là trẻ tham gia các hoạt động vừa ít nhất trong 60 phút/ngày, ít nhất 3 ngày/tuần.
- Nghiêm cấm trẻ ngồi lâu với các hoạt động tĩnh.
- Uống đủ nước để bù lại lượng nước trẻ mất qua mồ hôi trong quá trình luyện tập.
6. Làm cách nào để giảm nguy cơ trẻ mắc bệnh béo phì?
- Trẻ nhỏ được bú mẹ đầy đủ, ăn bổ sung hợp lý sẽ ngăn ngừa được béo phì. NCBSM giảm được 5% nguy cơ béo phì cho mỗi tháng em bé được nuôi thêm bằng sữa mẹ.
- Giáo dục cho trẻ nếp sống lành mạnh, ăn uống hợp lý.
- Hoạt động thể thao đều đặn hàng ngày.
- Xem tivi hay các hoạt động tĩnh không nên quá 7h/ngày. Tránh vừa ăn vừa xem TV.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để có thể can thiệp kịp thời tránh dẫn đến béo phì.
Bệnh viện nhi Thái Bình có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, trang thiết bị y tế đầy đủ để chẩn đoán, tư vấn, theo dõi và điều trị trẻ bị thừa cân, béo phì, để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin xin liên hệ hotline 1900888662 để được hỗ trợ.
Nguồn tin:
[1]: Quyết định 3312/QĐ-BYT, ngày 07/8/2015 Về việc ban hành Hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em, trang 384.
Tác giả bài viết: Phòng KHTH
Ý kiến bạn đọc