1. Vẹo cổ ở trẻ em là gì ?
- Vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm là tình trạng cơ ức đòn chũm bị xơ hoá, co rút dẫn đến tư thế đầu nghiêng về bên có khối u cơ và mặt xoay về phía đối diện.
- Chỉ định :
+ Áp dụng cho trẻ em sau sinh bị vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm.
+ Thời điểm điều trị: ngay khi phát hiện khối u trên cơ ức đòn chũm.
- Chống chỉ định: Khối u cơ ức đòn chũm đang sưng, nóng và đau
2. Vẹo cổ ở trẻ em biểu hiện như thế nào ?
- Cổ trẻ sẽ nghiêng về một bên, còn mặt của trẻ thì xoay về bên đối diện. Nghĩa là nếu trẻ bị vẹo cổ bên trái, đầu trẻ sẽ nghiêng về phía bên trái, còn mặt trẻ sẽ quay về phía bên phải.
- Trẻ thường chỉ quan sát một bên vai (bên bị vẹo cổ), khi bú cũng chỉ bú một bên, trẻ cảm thấy rất khó khăn khi cử động xoay bên phía ngược lại.
- Một số dấu hiệu khác có thể thấy ở một số trẻ như xuất hiện 1 số vết sưng hoặc u nhỏ ở cổ.
- Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường trên, cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời cho trẻ.
3. Điều trị bệnh lý vẹo cổ
3.1 Điều trị vẹo cổ bằng phương pháp tập vật lý trị liệu
3.1.1. Kỹ thuật kéo giãn và hình ảnh sau đây chỉ minh họa cho trường hợp vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm bên phải.
- Tư thế người bệnh: nằm ngửa, thân mình bên trái của trẻ nằm dọc theo một bên của cạnh bàn. Trẻ thoái mái, không khóc.
- Tư thế người điều trị: ngồi ghế cạnh bàn, phía dưới chân của trẻ để có thể nhìn đối diện với mặt của trẻ.
- Thực hiện kỹ thuật kéo giãn cơ ức đòn chũm bên phải bằng cử động nghiêng cột sống cổ qua trái.
+ Tay cố định: tay trái người điều trị cố định đai vai bên phải của trẻ (hình minh họa), để giữ đai vai bên phải không di chuyển trong khi thực hiện động tác kéo giãn nghiêng cột sống cổ qua trái.
+ Tay di động: tay phải người điều trị nâng đỡ toàn bộ phía sau đầu trẻ. Tay di động của người điều trị kéo giãn từ từ đầu trẻ nghiêng sang trái.
+ Lặp lại kỹ thuật từ 5 - 15 lần/buổi tập.
- Thực hiện kỹ thuật kéo giãn cơ ức đòn chũm bên phải bằng cử động xoay cột sống cổ qua phải.
+ Tay cố định: tay trái người điều trị cố định xương bả vai bên phải của trẻ với 4 ngón tay ở sau và ngón cái đặt dọc theo hàm dưới của trẻ (hình minh họa), để giữ xương bả vai không di chuyển ra sau trong khi thực hiện động tác kéo giãn xoay cột sống qua phải.
+ Tay di động: tay phải người điều trị nâng đỡ toàn bộ phía sau đầu trẻ với 4 ngón tay đặt ở một bên của phần xương sọ và ngón cái đặt bên đối điện. Tay di động của người điều trị kéo giãn từ từ cho mặt trẻ xoay sang phải.
+ Lặp lại kỹ thuật từ 5 - 15 lần/buổi tập.
+ Tập nghiêng đầu qua trái Tập xoay mặt qua phải
+ Hết thời gian và các bước tiến hành: thu dọn dụng cụ, thăm hỏi người bệnh, dặn dò bệnh nhân và người nhà.
- Kết thúc quy trình
+ Đánh giá tình trạng người bệnh sau thực hiện kỹ thuật.
+ Hoàn thiện ghi chép hồ sơ bệnh án, lưu hồ sơ.
3.1.2. Trường hợp vẹo cổ do u cơ ức đòn chũm bên trái
Khi tập với khối u xơ bên trái thì người tập sẽ tập tương tự như trường hợp trên theo hướng ngược lại.
3.2 Điều trị vẹo cổ bằng phương pháp phẫu thuật
- Với những trẻ 18 tháng trở lên, cơ vùng cổ còn yếu và các bài tập vận động chưa đạt kết quả tốt có thể tiến hành phẫu thuật cho trẻ :
+ Giải phóng tổ chức cơ xơ cứng, làm dài cơ vùng co rút
+ Cắt lọc khối u xơ cơ
- Sau phẫu thuật trẻ vẫn cần tập vật lý trị liệu để đạt kết quả điều trị tốt nhất.
Bệnh viện nhi Thái Bình có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn thăm khám phát hiện và can thiệp cho các trẻ chậm nói. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin xin liên hệ hotline 1900888662 để được hỗ trợ.
Nguồn tin
1. Quyết định số 5737/QĐ-BYT ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành Phục hồi chức năng (Đợt 2).
3. Ban hành kèm theo Quyết định số 1793/QĐ-BVN ngày 28/12/2023 của BV Nhi Thái Bình
Tác giả bài viết: Phòng kế hoạch - tổng hợp
Ý kiến bạn đọc