1. Tiêm chủng Vắc xin là biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm hiệu quả nhất hiện nay. Tuy vậy, không có Vắc xin nào đạt hiệu quả bảo vệ 100%.
2. Cần lưu giữ phiếu hoặc sổ tiêm chủng, sổ tiêm chủng, sổ khám chữa bệnh suốt đời để theo dõi sức khỏe của mỗi người được tốt hơn
3. Cũng giống như thuốc, Vắc xin có thể gây ra phản ứng sau tiêm chủng
4. Sau khi tiêm chủng, người được tiêm chủng phải ở lại cơ sở tiêm theo dõi 30 phút và về nhà cần tiếp tục theo dõi 48 giờ sau tiêm để phát hiện những biểu hiện bất thường về sức khỏe
5. Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng thường nhẹ và tự khỏi trong thời gian ngắn 1-2 ngày sau tiêm như:
- Sốt < 38,5 0 C, sưng nóng, đỏ đau tại chỗ tiêm, quấy khóc... có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, lau khăn ấm toàn thân để hạ nhiệt.
- Dùng thuốc hạ sốt nếu trẻ có sốt ≥ 38,5 độ C, các thuốc có thể sử dụng như: Paracetamol liều từ 10 -15 mg/kg/lần (không dùng với các trẻ có các bệnh gan), hoặc Ibuprofen liều 6-8 mg/kg/lần (không dùng với trẻ có giảm tiểu cầu hoặc nghi ngờ có sốt xuất huyết), khoảng cách dùng cách 4-6h nếu sốt ≥ 38,5 độ C.
6. Tuyệt đối không được chườm lạnh, chườm nóng hoặc bôi bất cứ thứ gì xung quanh vết tiêm
7. Với Vắc xin phòng lao sau khi tiêm khoảng 4-6 tuần chỗ tiêm sẽ xuất hiện vết loét nhỏ kích thước bằng đầu bút chì hoặc hạt đậu xanh sau khoảng vài tuần vết loét lành để lại sẹo có kích thước khoảng 5mm.
8. Phản ứng nặng hơn thường ít gặp nhưng có thể nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Hãy đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế nếu sau tiêm trẻ có một trong các dấu hiệu bất thường dưới đây:
- Sốt cao liên tục, dùng thuốc hạ nhiệt không đỡ
- Quấy khóc liên tục dai dẳng
- Ban đỏ, mề đay, phù nề mặt toàn thân
- Tím tái, khó thở, thở ngắt quãng, khò khè hoặc nghẹt thở, đau quặn bụng, đại tiểu tiện không tự chủ, mệt lả xanh tái, choáng váng vật vã, dãy dụa hoặc co giật
9. Các trường hợp cần được khám và sàng lọc tiêm chủng tại bệnh viện bao gồm:
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện cần được chuyển tuyến và khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện. Phòng tiêm chủng - Bệnh viện Nhi Thái Bình hiện tại đang thực hiện tiếp nhận khám sàng lọc, và tiêm chủng cho tất cả trẻ em, đặc biệt là các trẻ đẻ non, trẻ có tiền sử dị ứng, trẻ có tiền sử mắc các bệnh bẩm sinh, mạn tính ở tim, phổi, hệ tiêu hóa, gan, thận, máu, ung thư, thần kinh...Tại bệnh viện, trẻ được khám sàng lọc, tiêm chủng, và theo dõi sau tiêm theo đúng quy định đảm bảo buổi tiêm chủng an toàn nhất cho trẻ./.