Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

Cảnh báo tai nạn giao thông ở trẻ

Thứ ba - 07/06/2022 21:23 709 0
     Thời gian vừa qua, Khoa cấp cứu chống độc Bệnh viện Nhi Thái Bình có tiếp nhận một số trẻ bị tai nạn giao thông nhập viện, một số trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Điển hình có bé H.T.A, 17 tháng tuổi quê ở Vũ Thư - Thái Bình. Bé nhập viện ngày 24/5/2022 sau khi bị xe ô tô 7 chỗ đè lên cánh tay và 1 phần người phải. Trẻ nhập viện khoa Cấp cứu chống độc trong tình trạng kích thích quấy khóc, da môi nhợt, mất vận động tay phải, bầm tím phần bụng và ngực bên phải. Nhận định tình trạng trẻ có khả năng gặp phải đa chấn thương sau tai nạn, nguy cơ tổn thương các tạng ổ bụng có thể gây chảy máu ồ ạt sốc mất máu. Các bác sĩ kíp trực đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp điều trị hỗ trợ tích cực, giải thích cho gia đình tình trạng bệnh. Đồng thời nhanh chóng siêu âm chụp chiếu để xác định các tổn thương. Kết quả cho thấy bé bị gãy 1/3 dưới xương cánh tay bên phải, kèm theo vỡ gan độ 3-4. Các bác sĩ khoa Cấp cứu tiếp tục duy trì các biện pháp điều trị và hội chẩn các bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Chấn thương. Bé được nẹp cố định cánh cẳng bàn tay phải, tiếp tục theo dõi điều trị bảo tồn đối với tình trạng vỡ gan. 
     Sau 1 thời gian điều trị và theo dõi sát, với chuyên môn sâu của các bác sĩ Khoa Ngoại - Chấn thương Bệnh viện Nhi Thái Bình. Bé đã hồi phục, được bó bột cánh cẳng bàn tay phải, gan vỡ được điều trị bảo tồn thành công mà không cần trải qua phẫu thuật. Bé đã được xuất viện ngày 02/06/2022 sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện.
     Tai nạn giao thông là tình trạng hay gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở các gia đình nhà gần khu vực đường có mật độ giao thông lớn, trẻ vui chơi và sơ ý chạy qua đường khiến người tham gia giao thông không kịp xử lý. Một số tình huống khi tham gia giao thông không đúng luật dẫn đến va chạm giữa các xe đang lưu thông trên đường... Với các tình huống tai nạn, tùy mức độ nghiêm trọng, phương tiện va chạm, tốc độ di chuyển và cơ chế chấn thương mà trẻ có thể gặp các chấn thương ở các mức độ khác nhau. Có thể gặp các chấn thương như chấn thương sọ não, chấn thương bụng kín (vỡ gan, vỡ lách, vỡ thận), chấn thương ngực tràn máu tràn khí màng phổi. Các tổn thương gãy xương ở các vị trí khác nhau. Có thể thương tổn đơn thuần 1 vị trí hay tổn thương nặng ở nhiều cơ quan. Trẻ có thể sốc chấn thương do đau, hoặc do mất máu quá nhiều gây sốc mất máu.
     Chính vì vậy, để hạn chế tai nạn giao thông cho trẻ, đặc biệt khi vào hè, trẻ có thời gian nghỉ hè, vui chơi mà bố mẹ không kiểm soát hết được những nguy cơ có thể xảy ra. Chúng tôi xin khuyến cáo các quý phụ huynh một số vấn đề:
  1. Luôn đội mũ bảo hiểm cho trẻ khi tham gia giao thông để hạn chế chấn thương vùng đầu.
  2. Tham gia giao thông đúng luật.
  3. Trường học, nhà ở đặc biệt nhà gần đường phố lớn cần có rào chắn hay cổng an toàn.
  4. Khi lưu thông trên tuyến đường đông dân cư, cần chú ý tốc độ và quan sát kỹ.
  5. Với trẻ lớn, cần giáo dục cho trẻ ý thức khi đi qua đường cần quan sát, khi đi xe đạp, xe điện cần chú ý đi đúng phần đường, không dàn hàng đôi, hàng ba, không lạng lách, vượt ẩu.
  6. Các gia đình có xe ô tô, khi ra vào nhà hoặc khu vực ngõ hẹp, cần chú ý quan sát kỹ khi tiến, lùi xe, tránh trường hợp trẻ đi vào điểm mù của xe mà tài xế không quan sát được.
     Nếu không may trẻ bị tai nạn giao thông, nhanh chóng đánh giá tình trạng bệnh, sơ cấp cứu và gọi người hỗ trợ, đồng thời đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ các biện pháp y tế kịp thời, và để được đảm bảo an toàn trên đường vận chuyển trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa cao hơn.

Tác giả bài viết: Ths.Bs. Đoàn Duy Khánh - Khoa Cấp cứu chống độc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây