1. Ngộ độc hóa chất ăn mòn là gì ?
Ngộ độc hóa chất ăn mòn ở trẻ em thường do uống nhầm các chất tẩy rửa trong gia đình hoặc các hoá chất đựng trong các chai nước suối, nước ngọt:
- Chất acid (acide) như: acid sulfuric, acid chlorhydric, dung dịch đổ bình ắc quy, acetic acid, chất tẩy rửa kim loại.
- Chất kiềm (base) như: nước Javel, thuốc tẩy, bột giặt, sút (NaOH), nước tro tàu (KOH).
Tổn thương:
- Hệ hô hấp: bỏng, phù nề vùng hầu họng, khí quản.
- Hệ tiêu hóa: thực quản bỏng, phù nề, hoại tử, sẹo hẹp. Dạ dày, xuất huyết hoặc thủng dạ dày.
2. Chẩn đoán và phân độ trẻ ngộ độc hóa chất ăn mòn như nào ?
- Bệnh sử: uống lầm acid hoặc base.
- Lâm sàng:
+ Đau họng, nuốt khó chảy nước bọt.
+ Bỏng niêm mạc miệng.
+ Suy hô hấp.
- Xét nghiệm: bỏng hầu họng và thực quản khi nội soi thực quản dạ dày. Phân độ theo kết quả nội soi: Có 5 độ:
+ Độ 1: phù nề, sung huyết niêm mạc.
+ Độ 2a: loét nông, niêm mạc dễ bong, phỏng nuớc.
+ Độ 2b: các dấu hiệu của độ 2a + loét chu vi nông.
+ Độ 3a: vết loét sâu kèm hoại tử nhỏ.
+ Độ 3b: vết loét sâu và hoại tử lan rộng.
- Chẩn đoán phân biệt: Ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat: thuốc diệt cỏ màu xanh, bỏng niêm mạc miệng.
3. Điều trị ngộ độc hóa chất ăn mòn ở trẻ em
- Tất cả các trường hợp trẻ nghi ngờ ngộ độc hoặc ngộ độc với hóa chất ăn mòn đều cần tới cơ sở y tế thăm khám và điều trị.
- Nguyên tăc điều trị:
+ Điều trị tình huống cấp cứu.
+ Dinh dưỡng tĩnh mạch.
+ Nội soi thực quản dạ dày đánh giá tổn thương.
+ Nong thực quản khi có sẹo hẹp thực quản.
+ Điều trị biến chứng.
- Điều trị cụ thể: Điều trị tình huống cấp cứu.
+ Hồi sức hô hấp đặt nội khí quản, giúp thở trong trường hợp suy hô hấp hoặc khó thở thanh quản nặng.
+ Không rửa dạ dày vì làm nặng thêm tổn thương niêm mạc thực quản có thể gây thủng thực quản.
+ Không dùng than hoạt tính vì không tác dụng và gây cản trở, không đánh giá được tổn thương khi nội soi thực quản dạ dày.
+ Không dùng hóa chất trung hòa vì sinh nhiệt làm gia tăng tổn thương.
+ Súc miệng với thật nhiều nước sạch.
+ Bệnh nhân còn uống được: có thể cho uống nước hoặc sữa để pha loãng nồng độ hóa chất ăn mòn ngoại trừ có dấu hiệu nghi ngờ thủng thực quản, hoặc ói máu.
+ Khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm sau khi ổn định sinh hiệu để có chỉ định kịp thời nội soi thực quản dạ dày.
+ Kháng sinh:
• Chỉ định: Biến chứng tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi, thủng thực quản dạ dày, viêm phổi, bằng chứng nhiễm khuẩn, đang điều trị với Corticoid hoặc tổn thương trung bình hoặc nặng trên nội soi (từ độ 2).
• Kháng sinh: Cephalosporin 3, aminoglycosid.
+ Corticoid:
• Chỉ định: Thở rít phù nề thanh quản, bỏng thực quản (hiệu quả giảm sẹo hẹp thực quản còn bàn cãi) hoặc trường hợp sẹo hẹp có chỉ định nong thực quản (nhiều nghiên cứu cho hay giảm tỉ lệ cần can thiệp phẫu thuật tái tạo thực quản).
• Dexamethason tĩnh mạch hoặc prednisolon 1 mg/kg uống trong 7 - 14 ngày.
+ Thuốc kháng H2: khi có tổn thương, xuất huyết dạ dày.
- Dinh dưỡng: dinh dưỡng qua đường miệng hoặc qua sonde dạ dày sau 24 - 72 giờ. Nếu có chỉ định đặt sonde dạ dày phải do người có nhiều kinh nghiệm, kỹ thuật đặt nhẹ nhàng tránh làm tăng tổn thương, chảy máu hoặc thủng thực quản.
- Điều trị biến chứng.
+ Tràn khí trung thất, viêm trung thất: điều trị bảo tồn với kháng sinh.
+ Tràn khí màng phổi: chọc hút khí màng phổi khi có suy hô hấp.
+ Thủng dạ dày: phẫu thuật.
+ Nong thực quản khi có sẹo hẹp thực quản.
- Tiên lượng bệnh nhân phụ thuộc vào mức độ biến chứng
+ Tổn thương đường tiêu hóa: bỏng, thủng thực quản, dạ dày, ruột, sẹo, hẹp thực quản.
+ Tràn khí trung thất, viêm trung thất
+ Tràn khí màng phối
+ Những biến chứng khác bao gồm mất nhu động của họng và thực quản, hình thành lỗ rò động mạch chủ và khí-thực quản, tiềm ẩn xuất huyết lớn do ăn mòn mạch máu lớn và thuyên tắc động mạch phổi
+ Ngoài việc làm tổn thương trực tiếp tổ chức tiếp xúc, axit còn được hấp thu có hệ thống, gây tổn thương lách, gan, đường mật, tụy và thận cũng như gây toan chuyển, tan máu và cuối cùng là tử vong.
4. Các biện pháp dự phòng tai nạn ngộ độc hóa chất ăn mòn ở trẻ
Ngộ độc hóa chất ăn mòn ở trẻ nhỏ thường do tai nạn sinh hoạt, lượng hóa chất ăn mòn thường nhỏ, các trường hợp được xử lý tốt thường ít để lại các biến chứng và di chứng về sau cho trẻ. Tuy nhiên một số trường hợp ở người lớn hoặc trẻ lớn khi cố ý nuốt một lượng lớn có thể gây đe dọa đến tính mạng. Cha mẹ chú ý để xa tầm tay trẻ hoặc để trong tủ có khoá các hóa chất, không chứa hóa chất trong các chai nước suối, nước ngọt.
Bệnh viện nhi Thái Bình có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, trang thiết bị y tế đầy đủ để chẩn đoán, theo dõi và xử trí cấp cứu và điều trị các trường hợp ngộ độc hóa chất ăn mòn, để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin xin liên hệ hotline 1900888662 để được hỗ trợ.
Nguồn tin
1. Bệnh viện Nhi Đồng I (2020), Phác đồ điều trị nhi khoa 2020.
2. Phác đồ xử trí ngộ độc thức ăn, bệnh viện Nhi Thái Bình 2022.
Tác giả bài viết: Phòng kế hoạch - tổng hợp
Ý kiến bạn đọc