1. Viêm hô hấp do RSV là gì?
Viêm hô hấp do RSV (Respiratory Syncytial Virus) là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra. Đây là nguyên nhân chính gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh thường bùng phát vào mùa đông, thời tiết ẩm và dễ lây lan qua giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp
2. Tổn thương hô hấp do RSV như thế nào?
RSV tấn công lớp biểu mô niêm mạc đường hô hấp, gây phù nề, hoại tử tế bào và tăng tiết nhầy, làm tắc nghẽn đường thở nhỏ. Điều này có thể dẫn đến xẹp phổi hoặc ứ khí, gây suy hô hấp. Các tổn thương lan rộng có thể ảnh hưởng đến phế quản và phổi, làm giảm khả năng trao đổi oxy.
3. Cơ chế bệnh sinh do RSV là gì?
- RSV xâm nhập vào đường hô hấp qua niêm mạc mũi và họng.
- Virus bám vào tế bào biểu mô, nhân lên và gây viêm cục bộ.
- Hoại tử tế bào dẫn đến tăng tiết dịch nhầy, gây tắc nghẽn đường thở nhỏ.
- Phản ứng viêm làm phù nề, làm hẹp đường thở, dẫn đến tình trạng suy hô hấp.
4. Biểu hiện bệnh như thế nào?
- Ngày 1-3: Trẻ có dấu hiệu viêm đường hô hấp trên như chảy mũi, ho, sốt nhẹ. Thể nhẹ: những biểu hiện viêm long thuyên giảm sau vài ba ngày.
- Ngày 3-5: Bệnh có thể diễn tiến nặng hơn với ho, khò khè nhiều hơn, khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, có thể xuất hiện tím tái. Khi khám phổi, lồng ngực căng do ứ khí, có thể nghe thấy ran rít, ran ngáy hoặc ran ẩm, thông khí phổi kém.
- Ngày 5 trở đi: Thường bệnh bắt đầu thuyên giảm, trẻ bớt ho, dễ thở hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể kéo dài ho và khò khè.
5. Dấu hiệu cận lâm sàng của bệnh là gì?
- Số lượng bạch cầu bình thường hay tăng nhẹ, tỷ lệ lymphocyte chiếm ưu
thế. CRP bình thường.
- X-quang phổi: Tổn thương đa dạng và không điển hình, hay gặp hình ảnh ứ khí, thâm nhiễm khoảng kẽ lan toả, xẹp phổi từng vùng, có thể có tràn khí màng phổi vv...
- Test nhanh phát hiện kháng nguyên virus RSV cho kết quả nhanh.
Hình ảnh phổi ứ khí
6. Viêm tiểu phế quản và viêm phổi do RSV ở trẻ em có nguy hiểm không?
- Viêm hô hấp do RSV có thể diễn tiến nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng, có thể dẫn đến ứ khí hoặc xẹp phổi, gây suy hô hấp, bội nhiễm vi khuẩn...
- Một số bệnh nhân có thể ho, khò khè dai dẳng sau khi đã lui bệnh.
- Việc nhận biết sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Bệnh khó phòng tránh, dễ lây nhiễm và tái phát.
Hình ảnh xẹp phổi
7. Điều trị viêm hô hấp do RSV như thế nào?
- Chống suy hô hấp: Đảm bảo thông thoáng đường thở, thở oxy nếu cần, hút đờm, vỗ rung giúp thông thoáng phổi. Trẻ có suy hô hấp nặng có thể cần thở CPAP hoặc thở máy.
- Bù nước và điện giải: Bổ sung dịch để bù lượng mất do sốt, thở nhanh.
- Thuốc kháng virus: Ribavirin có thể được sử dụng trong một số trường hợp nặng.
- Kháng sinh: Sử dụng khi có bội nhiễm vi khuẩn.
- Khí dung: Thuốc giãn phế quản khi có co thắt, hoặc thở rít; thuốc budesonid...
- Corticoid: Cân nhắc chỉ định nếu cần thiết.
8. Phòng ngừa viêm hô hấp do RSV
- Chưa có vaccine phổ biến.
- Biện pháp phòng ngừa: Rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh môi trường sống, không hút thuốc lá trong nhà.
- Tăng cường miễn dịch: Cho trẻ bú mẹ đầy đủ, cung cấp dinh dưỡng hợp lý.
Bệnh viện nhi Thái Bình có đầy đủ đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, trang thiết bị y tế đầy đủ, để khám, chẩn đoán và điều trị bệnh viêm tiểu phế quản và viêm phổi do RSV. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin xin liên hệ hotline 1900888662 để được hỗ trợ.
Nguồn tin:
[1]: Quyết định 3312/QĐ-BYT, ngày 07/8/2015 Về việc ban hành Hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị một số bệnh thường gặp ở trẻ em.
Ý kiến bạn đọc