Tham dự tại buổi tập huấn có BSCKII Giang Công Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện; BSCKI Hoàng Tiến Thành, Khoa Hồi sức tích cực - Báo cáo viên trong buổi tập huấn, Giảng viên bộ môn Nhi Trường Đại học Y Dược Thái Bình và Cao đẳng Y tế Thái Bình cùng 70 học viên đến từ các khoa trong bệnh viện.
Phản vệ là phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng. Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ, do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng một vài phút.
Người bệnh có thể nghĩ đến phản vệ, khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau: Mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất; rối loạn ý thức. Tất cả trường hợp phản vệ phải được phát hiện sớm, xử trí khẩn cấp, kịp thời ngay tại chỗ và theo dõi liên tục ít nhất trong vòng 24 giờ.
Khai mạc buổi tập huấn các học viên được BSCKII Giang Công Vĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Bệnh viện phổ biến lại những nội dung trong Thông tư số 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về việc phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
Trong buổi tập huấn, các hoạc viên được BSCKI Hoàng Tiến Thành hướng dẫn về những nội dung cơ bản về phác đồ phòng chống sốc phản vệ, cách nhận biết, phát hiện sớm các trường hợp sốc phản vệ, điều trị cấp cứu ban đầu, cấp cứu ngừng thở ngừng tim, cách xử trí cấp cứu tại chỗ, xử trí suy hô hấp, thiết lập đường truyền tĩnh mạch, cách sử dụng thuốc và điều trị phối hợp để xử lý kịp thời tránh tai biên xảy ra.
Lớp tập huấn nhằm nâng cao chuyên môn, phòng ngừa và giảm thiểu tối đa, các tai biến, phản ứng sau tiêm do sốc phản vệ gây ra cho bệnh nhân, nhất là trẻ em đảm bảo an toàn, tính mang cho bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.