Phát biểu tại hội nghị, BSCKII.Lương Đức Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: “Bệnh tim bẩm sinh là dạng dị tật phổ biến nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em. Hiện nay, tỷ lệ tỷ bẩm sinh nằm trong khoảng từ 0,7 – 1% trẻ sinh ra (Cứ 1.000 trẻ em được sinh ra thì có 7 – 10 trẻ em bị tim bảm sinh). Ở các bệnh viện nhi, bệnh nhi bị tim bẩm sinh chiếm 1,5% số trẻ vào viện và chiếm khoảng 30-55% bệnh nhi của khoa tim mạch. Bệnh tim bẩm sinh do nhiều nguyên nhân như: Người mẹ nhiễm độc, nhiễm bệnh trong thời gian mang thai; Mang gen bệnh. di truyền...
Tùy theo tình trạng tổn thương, Bệnh tim bẩm sinh hiện nay chủ yếu được điều trị bằng thuốc, can thiệp tim mạch hoặc phẫu thuật tim.
Can thiệp tim mạch là phương pháp trong đó đưa một ống thông nhỏ gọi là catheter cùng với các dây dẫn qua mạch đùi, cổ hoặc cánh tay đến trong buồng tim và các mạch máu để sửa chữa các dị tật trong tim. Được sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã triển khai can thiệp tim mạch trên máy DSA hai bình diện từ ngày 28/10/2021.
Phẫu thuật tim bẩm sinh bao gồm 2 phương pháp tiến hành: Phẫu thuật tim kín (Không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể); Phẫu thuật tim hở (Có sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ cho tim và phổi) để sửa chữa các tổn thương bên trong quả tim cũng như tổn thương trên các mạch máu lớn đi ra từ tim.
Bệnh viện Nhi Thái Bình đã triển khai phẫu thuật tim kín từ ngày 22/9/2019 và hôm nay, qua quá trình chuẩn bị và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện triển khai kỹ thuật phẫu thật tim hở.
Để tiến hành phẫu thuật an toàn, hiệu quả cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, đòi hỏi cần có một hệ thống toàn diện với kỹ năng cao nhất có thể, bao gồm: Bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ chạy máy tim phổi nhân tạo, bác sĩ tim mạch nội khoa, bác sĩ hồi sức, cũng như các điều dưỡng của từng chuyên ngành.
Phẫu thuật tim hở cho trẻ em tim bẩm sinh có thể được coi là đỉnh cao của ngoại khoa, với kỹ năng vi phẫu ở trình độ cao và các yêu cầu chuyên môn khác vô cùng khắt khe và nghiêm ngặt mới đảm bảo hiệu quả của việc sửa chữa và bảo tồn chức năng của tim ở mức tối đa, giúp trẻ được hồi phục sức khỏe, để có cuộc sống bình thường như bao trẻ em khác.
Trước đây, khi chưa có kỹ thuật can thiệp tim mạch và phẫu thuật tim, phần lớn trẻ em tim bẩm sinh khó có thể sống sót đến khi trưởng thành mà thường tử vong do rối loạn nhịp tim, nhiễm trùng tim, nghẽn mạch do cục máu đông, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hàng năm nước ta có khoảng 10.000 – 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có 6.000 trẻ được phẫu thuật, số còn lại phải chờ và thậm chí tử vong trước khi được phát hiện bệnh.
Chi phí phẫu thuật tim bẩm sinh phụ thuộc vào từng dạng tim bẩm sinh mà trẻ mắc phải, trung bình dao động từ 70 đến 80 triệu đồng. Ngoài phần được bảo hiểm y tế chi trả; phía người bệnh phải chi phí vật tư không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, vật tư không trúng thầu, chi phí đồng chi trả và một số chi phí khác.
Từ tình hình trên, Mục tiêu phát triển kỹ thuật phẫu thuật tim hở cho trẻ em tim bẩm sinh không những là nhiệm vụ mà còn là niềm mơ ước của các bệnh viện nhi và cũng là niềm mơ ước của các gia đình có con em bị tim bẩm sinh.
Đối với Bệnh viện Nhi Thái Bình, quá trình chuẩn bị triển khai kỹ thuật kỹ thuật phẫu thuật tim hở đã diễn ra từ nhiều năm qua.
Về cơ sở hạ tầng, Trong Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Nhi Thái Bình đã bố trí phòng phẫu thuật tim mạch và và phòng hồi sức sau mổ tim tại tầng 4 của nhà số 3 với đầy đủ các điều kiện đạt tiêu chuẩn.
Về trang thiết bị, Trong Dự án đầu tư trang thiết bị Bệnh viện Nhi Thái Bình đã bố trí đầu tư 29,9 tỷ đồng, trong đó riêng máy tim phổi nhân tạo (kèm máy trao đổi nhiệt) S5 của hãng Livanova Deutschland trị giá 9,176 tỷ đồng.
Về nhân lực chuyên môn, từ năm 2016, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã chọn cử 2 kíp cán bộ đi đào tạo nhiều đợt tại Bệnh viện Nhi Trung ương về kỹ thuật phẫu thuật tim cơ bản và phẫu thuật tim nâng cao.
Về các điều kiện kèm theo về hồi sức tích cực, gây mê hồi tỉnh, nội tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, kiểm soát nhiễm khuẩn… cũng được chuẩn bị đồng thời với quá trình chuẩn bị phát triển kỹ thuật.
Về điều kiện pháp lý để triển khai kỹ thuật và chế độ hưởng bảo hiểm y tế cho người bệnh. Bệnh viện đã được Sở Y tế ra Quyết định số 694/QĐ-SYT ngày 29/8/2023 về việc phê duyệt bổ sung danh mục kỹ thuật trong khám chữa bệnh, trong đó có 114 kỹ thuật gây hê hồi sức và phẫu thuật tim hở. Bệnh viện được Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh ra văn bản số 2458/BHXH-GĐBHYT ngày 16/10/2023 về việc cho phép thanh toán BHYT đối với 48 kỹ thuật gây hê hồi sức và phẫu thuật tim hở.
Hôm nay Bệnh viện đã chuẩn bị 03 bệnh nhi cho phẫu thuật tim hở:
1. Cháu Nguyễn Nhật Linh, 38 tháng tuổi. Địa chỉ: Xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Chẩn đoán: Tim bẩm sinh thông liên thất phần màng lan dưới van chủ.
2. Cháu Bùi Mạnh Dũng, 11 tháng tuổi. Địa chỉ: Xã Quỳnh Xá, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Chẩn đoán: Tim bẩm sinh thông liên thất dưới van chủ.
3. Cháu Trương Phạm Long Nhật, 23 tháng tuổi. Địa chỉ: Xã Phúc Thành, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chẩn đoán: Tim bẩm sinh thông liên thất quanh màng lan dưới van chủ, suy tim, thận phải lạc chỗ.
Cả 03 cháu đều đủ điều kiện sức khỏe để phẫu thuật.
Hôm nay Cháu Nguyễn Nhật Linh, 38 tháng tuổi. Địa chỉ: Xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình sẽ được phẫu thuật.
Cháu Bùi Mạnh Dũng và Cháu Trương Phạm Long Nhật sẽ được phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Thái Bình trong thời gian sớm nhất.
Chúng tôi tin tưởng, với kỹ thuật cao về tim mạch và lại được thực hiện tại tỉnh nhà, các cháu sau phẫu thuật sẽ phục hồi sức khỏe, có cuộc sống bình thường như những trẻ em khỏe mạnh khác, sau này có thể học tập, lao động, công tác và có cuộc đời như bao người bình thường khác. Đồng thời việc thực hiện phẫu thuật sẽ giảm bớt chi phí điều trị tốn kém, đảm bảo khả năng chi trả của nhiều đối tượng, đặc biệt là những người nghèo.
Trong thời gian tới, Bệnh viện Nhi Thái Bình sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật mới để nâng cao toàn diện chất lượng công tác khám chữa bệnh cho trẻ em, góp phần giảm tỷ lệ tử vong trẻ em của tỉnh. Trong đó tập trung tiếp tục duy trì và phát triển các lĩnh vực ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, sơ sinh, hồi sức tích cực và tim mạch.
Về lĩnh vực tim mạch: Bệnh viện tiếp tục tăng số lượng bệnh nhi được thực hiện kỹ thuật phẫu thuật tim; Tăng số lượng bệnh nhi được thực hiện kỹ thuật can thiệp tim mạch trẻ em.
Bệnh viện mong muốn tiếp tục nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; Sự chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Sở Y tế; Sự chỉ đạo và giúp đỡ về chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Nhi Trung ương; Sự ủng hộ hiệu quả của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, trước hết là Sở kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, Trường Đại học Y Dược Thái Bình và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tập thể, cá nhân có mặt trong Hội nghị ngày hôm nay…”
Phát biểu tại hội nghị, đ/c Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế biểu dương sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể tập thể cán bộ Bệnh viện Nhi Thái Bình trong việc triển khai kỹ thuật phẫu thuật tim hở trẻ em. Đồng thời khẳng định việc triển khai phẫu thuật tim hở sẽ tạo ra một bước tiến mới trong điều trị tim mạch ở Thái Bình. Việc triển khai các kỹ thuật tim hở giúp bệnh nhi không phải chuyển tuyến, giảm chi phí cho gia đình người bệnh và áp lực cho tuyến Trung ương, đồng thời nâng cao chất lượng khám, điều trị, góp phần xây dựng thương hiệu, uy tín của bệnh viện. Qua đó, đồng chí cũng gửi lời chúc thành công đến ca phẫu thuật”.