Gần đây nhất, ngày 20/4/2024, khoa Cấp cứu chống độc - Bệnh viện Nhi Thái Bình đã tiếp nhận bệnh nhân T.T.Q.A (10 tuổi) bị đuối nước vào viện với tình trạng phổi tổn thương nặng, có suy hô hấp, tiên lượng bệnh rất nặng nề cần phải điều trị tích cực. Bệnh nhân cùng hai bạn chơi đùa và xuống tắm tại một đầm nước ở huyện Tiền Hải (khu vực ít người qua lại, thiếu sự giám sát của người lớn) thì không may cả ba bị đuối nước, do bệnh nhân biết bơi nên cố gắng bơi được vào bờ bị sặc nước với tình trạng kiệt sức, khó thở, nhưng tang thương đã đến hai người bạn đi cùng, cả hai bị đuối nước và đã tử vong.
Đuối nước là một dạng của ngạt, do nước bị hít vào phổi hoặc tắc đường thở do co thắt thanh quản khi nạn nhân ở trong nước. Đuối nước dẫn đến tình trạng thiếu oxy não, thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh suốt đời. Chính vì vậy, thời gian vàng để cứu sống trẻ bị đuối nước chính là lúc sơ cứu ngay ban đầu.
Hiện nay, mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách vẫn xảy ra dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, như: dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, dùng tay ép vào bụng trẻ gây nôn..., khi đó nước, chất bẩn hoặc thức ăn trong dạ dày trào ngược vào đường hô hấp gây tắc nghẽn đường thở khiến trẻ càng nặng thêm, ngoài ra còn có thể gây thêm các chấn thương nguy hiểm ngoài ý muốn như chấn thương cột sống cổ khiến nạn nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch. Mà người sơ cứu phải nhanh chóng thực hiện ngay hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực, đây là biện pháp quan trọng nhất trong sơ cứu ban đầu có thể cứu sống được nạn nhân.
Một số bước cơ bản sơ cứu trẻ đuối nước được khuyến cáo hiện nay:
(Ảnh minh hoạ: Hồi sức tim phổi cho trẻ đuối nước – Nguồn: Internet)
Bước 1: Gọi trợ giúp: cần nhanh chóng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi thấy trẻ bị đuối nước bằng cách gọi to, gọi cấp cứu 115.
Bước 2: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách, có thể gián tiếp hoặc trực tiếp.
Bước 3: Đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 4: Kiểm tra xem trẻ có thở không và có tỉnh không: Khi trẻ được đưa lên bờ, ngay lập tức kiểm tra trẻ có thở không bằng cách: nhìn lồng ngực của trẻ có di động không? Đặt tai của bạn gần miệng và mũi trẻ có cảm thấy không khí thở ra của trẻ ở trên má của bạn không? (thở ngáp được xem là không thở). Trong khi kiểm tra hơi thở, cũng có thể lay gọi trẻ để xem đứa trẻ có phản ứng không.
Bước 5: Nếu trẻ không thở, hãy bắt đầu hồi sức tim phổi (CPR) ngay: Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng. Tiến hành hồi sức tim – phổi bằng cách thổi ngạt, ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 6: Sau khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước, nên cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối 2 bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
Bước 7: Kiểm tra xem nạn nhân có bị gãy cột sống hoặc các chấn thương về xương khớp nào hay không, nếu có nhanh chóng cố định cổ bằng nẹp.
Bước 8: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm trẻ.
Bước 9: Nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, trên đường đi người vận chuyển cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra sau ngạt nước.
Trong quá trình vận chuyển cần tiếp tục các biện pháp sơ cứu nếu cần và đảm bảo ủ ấm cho bệnh nhân.
Video: Hướng dẫn sơ cứu trẻ đuối nước – Bệnh viện Nhi Trung ương: https://www.youtube.com/watch?v=TV7BRKRo-4M