Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

Các quy định pháp luật về mua sắm thuốc bổ sung

Thứ năm - 12/09/2019 09:05 1.401 0
Đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ, có chất lượng, và kịp thời cho người bệnh nhưng phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về mua sắm thuốc là yêu cầu bắt buộc đối với tất cả bệnh viện công lập.
 
Hiện nay theo quy định của Luật Đấu thầu và các Thông tư của Bộ Y tế hướng dẫn đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế thì về hình thức lựa chọn nhà thầu, cơ bản có 06 hình thức sau:

 

1) Đấu thầu rộng rãi: Đấu thầu rộng rãi là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự. Đấu thầu rộng rãi được áp dụng cho tất cả các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 11/2016/TT-BYT ngày 11/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, trừ trường hợp đối với gói thầu được áp dụng các hình thức khác. Hình thức đấu thầu rộng rãi được quy định tại Điều 20 của Luật Đấu thầu và Điều 10 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT.

 

2) Đấu thầu hạn chế: Đấu thầu hạn chế được áp dụng trong trường hợp gói thầu mua thuốc có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc thuốc có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu đáp ứng được yêu cầu của gói thầu. Các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đã được Bộ Y tế sơ tuyển lựa chọn vào danh sách các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín theo quy định được mời tham gia vào quá trình đấu thầu hạn chế nếu có thuốc phù hợp với gói thầu. Định kỳ hàng năm, Bộ Y tế có trách nhiệm tiến hành sơ tuyển để lựa chọn danh sách các nhà sản xuất, nhà cung cấp thuốc đáp ứng yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm và uy tín để làm cơ sở cho việc mời tham gia đấu thầu hạn chế. Hình thức đấu thầu hạn chế được quy định tại Điều 21 của Luật Đấu thầu và Điều 11 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT.

 

3) Chỉ định thầu và chỉ định thầu rút gọn: Chỉ định thầu được áp dụng đối với gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách. Trong trường hợp này (trừ gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước), sau khi chủ đầu tư hoặc cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý gói thầu xác định và giao cho nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện ngay gói thầu thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày giao thầu, chủ đầu tư phải hoàn thiện thủ tục trình người có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trong trường hợp này không bắt buộc phải thực hiện thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

 

Chỉ định thầu rút gọn: Chỉ định thầu rút gọn áp dụng đối với việc mua thuốc trong các trường hợp sau đây: (1) Gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu (không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công); (2) Thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm phát sinh đột xuất theo nhu cầu đặc trị được Bộ Y tế ban hành nhưng chưa đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu; (3) Thuốc chưa có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách như: Dịch bệnh, thiên tai, địch họa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh; (4) Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc trong năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc không lựa chọn được nhà thầu trúng thầu, cần mua gấp nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động chuyên môn trong trường hợp cấp bách; (5) Thuốc đã có trong danh mục thuốc thuộc kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc đã được duyệt nhưng trong năm nhu cầu sử dụng vượt số lượng kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 

Hình thức chỉ định thầu được quy định tại Điều 22 của Luật Đấu thầu và Điều 12 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT, quy trình chỉ định thầu thực hiện theo quy định tại Điều 55, Điều 56 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

 

4) Chào hàng cạnh tranh: Các gói thầu được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh khi có đủ các điều kiện sau đây: (1) Giá trị của gói thầu không quá 05 tỷ đồng; (2) Thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu do Bộ Y tế ban hành hoặc những thuốc thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật, chất lượng thuốc đã được tiêu chuẩn hóa và tương đương về chất lượng; (3) Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được người có thẩm quyền phê duyệt; (4) Trường hợp mua từ nguồn ngân sách nhà nước thì phải có dự toán mua thuốc được phê duyệt. Trường hợp mua thuốc từ nguồn thu khác thì cơ sở y tế phải bảo đảm nguồn vốn để thanh toán theo tiến độ thực hiện gói thầu.

 

Hình thức chào hàng cạnh tranh được quy định tại Điều 23 của Luật Đấu thầu và Điều 13 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT; quy trình chào hàng cạnh tranh thực hiện theo quy định tại Điều 58, Điều 59 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

 

5) Mua sắm trực tiếp: Gói thầu được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (1) Nhà thầu đã trúng thầu cung cấp thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế và đã ký hợp đồng thực hiện gói thầu trước đó; (2) Gói thầu có các thuốc tương tự và quy mô nhỏ hơn 130% so với gói thầu đã ký hợp đồng trước đó. Trường hợp thuốc thuộc gói thầu mua sắm trực tiếp là một trong nhiều thuốc thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của thuốc áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của thuốc cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó; (3) Đơn giá của các thuốc thuộc gói thầu áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp không được vượt đơn giá của các thuốc tương ứng thuộc gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, đồng thời phải phù hợp với giá thuốc trúng thầu được công bố tại thời điểm thương thảo hợp đồng; (4) Thời hạn từ khi ký hợp đồng của gói thầu trước đó đến ngày phê duyệt kết quả mua sắm trực tiếp không được quá 12 tháng. Trong thời hạn 12 tháng, cơ sở y tế chỉ được mua sắm trực tiếp một lần với mỗi mặt hàng thuộc gói thầu đã ký hợp đồng trước đó, trong trường hợp đặc biệt, cơ sở y tế có phải văn bản trình người có thẩm quyền để xem xét, quyết định. Trường hợp nhà thầu thực hiện hợp đồng trước đó không có khả năng tiếp tục thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp thì được áp dụng hình thức mua sắm trực tiếp đối với nhà thầu khác nếu đáp ứng các yêu cầu về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, giá theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó.

 

Hình thức mua sắm trực tiếp được quy định tại Điều 24 của Luật Đấu thầu và Điều 14 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT; quy trình mua sắm trực tiếp thực hiện theo quy định tại Điều 60 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

 

6) Tự thực hiện: Tự thực hiện được áp dụng đối với gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Điều kiện áp dụng: Việc áp dụng hình thức tự thực hiện phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu" trên cơ sở tuân thủ quy định tại Điều 25 của Luật Đấu thầu và đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: (1) Có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu; (2) Phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu; (3) Đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.

Hình thức tự thực hiện được quy định tại Điều 25 của Luật Đấu thầu và Điều 15 của Thông tư số 11/2016/TT-BYT; quy trình tự thực hiện áp dụng theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

 

Ghi chú:

(1) Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sử dụng nguồn vốn lớn để mua thuốc, thông thường hàng năm sẽ tiến hành mua thuốc với hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi (các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế và các Bệnh viện Quận Huyện hầu như áp dụng hình thức này).

 

(2) Đối với kế hoạch mua sắm lần đầu, thường các đơn vị mua sắm được khoảng 80% nhu cầu. Do đó, để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh các đơn vị thường mua sắm bổ sung với các hình thức lựa chọn nhà thầu như đấu thầu rộng rãi (lần 2) hoặc mua sắm trực tiếp hoặc chào hàng cạnh tranh hoặc chỉ định thầu. Đặc biệt, hiện nay còn có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Điều 26 (Lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt) Luật đấu thầu (Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

 

Tuy nhiên, nếu mua thuốc bổ sung mà áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi thì mất khá nhiều thời gian nên khó đảm bảo cung cấp kịp thời thuốc cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt là đối với thuốc cấp cứu, thuốc thiết yếu... Do đó, việc mua sắm bổ sung đối với các thuốc không lựa chọn được nhà thầu sau khi có kết quả đấu thầu rộng rãi hoặc thuốc mới phát sinh do nhu cầu điều trị, các đơn vị nên chọn một trong các hình thức sau: (1) Mua sắm trực tiếp; (2) Chào hàng cạnh tranh; (3) Chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn; (4) Mua thuốc trong trường hợp đặc biệt với Gói thầu có giá gói thầu không quá 50.000.000 đồng (Khoản 19 Điều 3 Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ).

Các hình thức như chào hàng cạnh tranh, chỉ định thầu, mua thuốc trong trường hợp đặc biệt là rất cần thiết để nhanh chóng mua được thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh nhưng các đơn vị hết sức lưu ý do các hình thức này hạn chế nhà thầu tham gia nên giá cả ít cạnh tranh.

Hiện tại, các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi năm 2019 của các đơn vị trực thuộc ngành y tế thành phố đang trong giai đoạn công bố kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc trong giai đoạn đánh giá túi hồ sơ đề xuất về tài chính. Các đơn vị đang khẩn trương thực hiện việc lựa chọn nhà thầu và lập danh sách những thuốc không lựa chọn được nhà thầu sau khi có kết quả đấu thầu rộng rãi hoặc thuốc mới phát sinh do nhu cầu điều trị để tiến hành lập kế hoạch mua thuốc bổ sung với mục tiêu không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc trong điều trị. Kế hoạch mua thuốc bổ sung phải được lập và trình người có thẩm quyền phê duyệt trước ngày Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực (hiệu lực ngày 01/10/2019). Các kế hoạch mua thuốc được phê duyệt sau ngày Thông tư số 15/2019/TT-BYT của Bộ Y tế có hiệu lực sẽ phải thực hiện theo Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế Quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.

Tác giả bài viết: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

Nguồn tin: Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh

  Ý kiến bạn đọc

BẢN ĐỒ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây