Pacs Tracuupacs khao sat y kien bn noi tru khao sat y kien benh nhan ngoai tru tai lieu danh gia chat luong patien

Viêm não cấp ở trẻ em là gì?

Thứ hai - 05/12/2022 08:08 332 0
Viêm não cấp là tình trạng viêm cấp tính của như mô não, biểu hiện bằng sự rối loạn chức năng thần kinh - tâm thần khu trú hoặc lan tỏa, do nhiều nguyên nhân gây nên nhưng phần lớn là do một số loại virus. Bệnh thường xảy ra ở trẻ nhỏ, khởi phát cấp tính, diễn biến nặng và có thể dẫn đến tử vong nhanh hoặc để lại di chứng nặng nề.
     * Viêm não cấp ở trẻ em thường chia thành 4 thể:
     - Viêm não cấp tiên phát là thể viêm não do vi sinh vật (Thường là virus)  trực tiếp gây tổn thương não và tủy sống.
     - Viêm não cấp thứ phát là thể viêm não cấp mà vi sinh vật gây bệnh ở một số cơ quan khác ngoài hệ thần kinh trung ương và sau đó mới di chuyển đến gây tổn thương ở não hoặc não - tủy.
     - Viêm não tự miễn là thể viêm não do sự xuất hiện của các tự kháng thể chống lại kháng nguyên trong tế bào hoặc trên bề mặt tế bào thần kinh, synap.
     - Viêm não cấp bán cấp: tình trạng viêm não cấp phát triển từ từ qua nhiều tháng, ví dụ viêm não cấp do HIV, viêm não cấp sau sởi…
     * Chẩn đoán viêm não cấp:
     Tiêu chuẩn chẩn đoán viêm não đối với người bệnh trên 1 tháng tuổi được dựa trên tiêu chuẩn của Hiệp hội Viêm não quốc tế 2013 như sau:
     - Tiêu chuẩn chính:
     Bệnh nhân có rối loạn tri giác kéo dài ≥ 24 giờ mà không xác định được nguyên nhân khác.
     - Tiêu chuẩn phụ:
     + Bệnh sử sốt ≥ 38oC trong vòng 72 giờ trước hoặc từ lúc đến khám.
     + Co giật toàn thân hoặc khu trú không liên quan đến rối loạn co giật trước đó.
     + Dấu hiệu thần kinh khu trú mới xuất hiện.
     + Dịch não tủy: Bạch cầu ≥ 5 tế bào/mm3.
     + Tổn thương nhu mô não trên chẩn đoán hình ảnh gợi ý viêm não (Tổn thương mới so với trước đó hoặc xuất hiện cấp tính).
     + Bất thường trên điện não đồ phù hợp với viêm não và không liên quan đến nguyên nhân khác.
     - Chẩn đoán viêm não theo 3 tình huống sau:
     + Viêm não có thể khi người bệnh có 1 tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ.
     + Viêm não nhiều khả năng khi bệnh nhân có 1 tiêu chuẩn chính và ≥ 3 tiêu chuẩn phụ
     + Viêm não chắc chắn khi bệnh nhân thuộc một trong hai chẩn đoán trên mà xác định được căn nguyên gây bệnh.
     * Một số nguyên nhân và dấu hiệu định hướng nguyên nhân gây viêm não.
     - Viêm não do Herpes simplex virus (HSP).
     Thường gặp ở trẻ trên 2 tuổi do virus HSP typ1. Trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh viêm não cấp do HSP typ 2.  Virus HSP xâm nhập nhu mô não, gây hoại tử kèm xuất huyết não.
     Bệnh cảnh thường có rối loạn ý thức và diễn biến nặng.
     Hình ảnh phim CT và MRI sọ não: Hay gặp tổn thương thủy trán và thái dương; Có thể có xuất huyết kèm theo; Tổn thương thường không đối xứng, có thể lan đến thùy đảo và góc hồi hải mã.
     - Viêm não Nhật bản.
     Do virus viêm não Nhật Bản (JEV) nhóm B thuộc nhóm Arbovirus, họ Togaviridae, giống Flavivirus, lây truyền qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex gây ra.
     Thường diễn biến nặng, nguy cơ để lại di chứng thần kinh, tâm thần nặng hoặc tử vong cao.
     Hình ảnh phim CT và MRI sọ não: Hay gặp tổn thương vùng đồi thị, tổn thương chất xám và nhân xám trung ương. 
     - Viêm não do Adeno virus: 
     Thường do Adeno virus nhóm B type 3, 7 có viêm phổi nặng.
     Trường hợp virus gây tổn thương trực tiếp tế bào thần kinh: Xảy ra trong vòng 5 ngày kể từ khi khởi phát bệnh hô hấp cấp tính có sốt. Thường có rối loạn ý thức kéo dài > 24 giờ và có các triệu chứng thần kinh như co giật, ảo giác.
      Trường hợp virus gây tổn thương gián tiếp thông qua đáp ứng miễn dịch của tế bào lympho T và kháng nguyên penton gây phù quanh mạch, thoái hóa và hoại tử thành mạch: Xảy ra sau 5 ngày kể từ khi khởi phát bệnh hô hấp cấp tính có sốt.
     - Viêm não do Entero virus 71 (EV71):
     Có biểu hiện của bệnh tay chân miệng: Tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
     Biểu hiện thần kinh: Giật mình, ly bì, thất điều, liệt mềm cấp tính, liệt thần kinh sọ.
     Hình ảnh phim CT và MRI sọ não: Có thể có tổn thương thân não.
     - Viêm não tự miễn:
     Viêm não tự miễn bao gồm các nhóm nguyên nhân: Viêm não tự miễn tiên phát; Viêm não tự miễn liên quan đến ung thư/ cận ung thư; Viêm não tự miễn thứ phát sau nhiễm trùng; Viêm não tự miễn do thuốc/ điều trị. Thường gặp viêm não do kháng thể kháng thụ thể NMDA (N-methyl –D-aspartate) sau nhiễm vi sinh vật.
     Cơ chế tổn thương trong viêm não kháng thụ thể NMDA có 2 giả thuyết: (1) Vi sinh vật phá hủy tế bào thần kinh giải phóng ra kháng nguyên, kháng nguyên kích thích cơ thể sinh ra kháng thể. (2) Do có sự tương đồng về cấu trúc của vi sinh vật và thụ thể NMDA dẫn đến kháng thể phát sinh chống lại thụ thể NMDA.
     Cần nghĩ đến viêm não tự miễn khi người bệnh đang điều trị viêm não  trong giai đoạn hồi phục (Khoảng 18 - 35 ngày sau nhiễm vi sinh vật) xuất hiện các triệu chứng mới hoặc nặng lên các triệu chứng về thần kinh, tâm thần. Các triệu chứng thường gặp: Sốt lại hoặc sốt kéo dài; Rối loạn vận động; Co giật lại hoặc co giật tăng hơn; Rối loạn tâm thần; Tri giác xấu đi; Rối loạn giấc ngủ; Tăng tiết đờm dãi; Khó nuốt...
     Hình ảnh phim CT và MRI sọ não: Có thể có hình ảnh tổn thương cũ, dịch hóa, hoại tử hoặc không có hình ảnh tổn thương.
     * Điều trị viêm não
     - Bảo đảm các chức năng sống: Bảo đảm thông khí, chống suy hô hấp, chống các rối loạn tuần hoàn, sốc, truỵ mạch; Chống phù não.
     - Điều trị triệu chứng: Hạ sốt; Chống co giật; Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, đường huyết (nếu có).
     - Chăm sóc và điều trị hỗ trợ: Đảm bảo dinh dưỡng; Phục hồi chức năng sớm; Phòng và chống bội nhiễm, nhiễm khuẩn bệnh viện.
     - Điều trị nguyên nhân:
     Khi phát hiện sớm hoặc nghi ngờ viêm não do Herpes simplex virus (HSP): Chỉ định dùng Acyclovir đường tĩnh mạch sớm nhất có thể. Không khuyến cáo sử dụng Acycolvir đường uống do khả năng hấp thu qua đường ruột thấp và nồng độ trong dịch não tủy không đảm bảo.
     Viêm não do Adeno virus: Chỉ định thuốc kháng virus (Cidofovir, Brincidofovir). Chỉ định Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IGIV) phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
     Viêm não tự miễn: Hiện nay Bộ Y tế chưa có hướng dẫn điều trị. Có thể cân nhắc sử dụng theo phác đồ điều trị tham khảo. Thuốc bậc 1: Methylprednisolon; Globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IGIV); Thay huyết tương (TPE). Thuốc bậc 2: Rutiximab tiêm tĩnh mạch; Cyclophosphamide. Thuốc bậc 3: Azathioprine.
     Thuốc kháng sinh được chỉ định trong những trường hợp chưa loại trừ được viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết hoặc khi có bội nhiễm./.

Tác giả bài viết: Đỗ Khắc Toán (Sưu tầm và biên tập)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

LIÊN KẾT PHẦN MỀM & DV
qllichmo qllichtruc  lichcongtac

bieudokhambenh   gia bhyt Giá thuốc
 
giá vật tư y tế csgb dm dichvukythuat
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập15
  • Hôm nay1,795
  • Tháng hiện tại93,279
  • Tổng lượt truy cập7,701,710
LIÊN KẾT WEBSITE
Bộ Y tế
BHXHVN
cucquanlykcb
ubnd tinh
mạng văn phòng
Sở Y tế
bhxhtinh
icd9
icd10tra cứu thuốc
Bệnh viện Nhi TW
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây