1. HIỂU RÕ VỀ NGỪNG TUẦN HOÀN HÔ HẤP
Ngừng tuần hoàn hô hấp là gì? Là tình trạng tim ngừng đập và phổi ngừng hoạt động, dẫn đến thiếu oxy nghiêm trọng cho não và các cơ quan khác.
Tại sao cần cấp cứu ngay lập tức? Não chỉ chịu được vài phút thiếu oxy trước khi tổn thương không hồi phục xảy ra.
Ai có thể thực hiện cấp cứu? Bất kỳ ai được đào tạo về kỹ năng này đều có thể cứu sống người khác.
2. NHẬN BIẾT DẤU HIỆU – HÀNH ĐỘNG NHANH CHÓNG
Dấu hiệu nhận biết:
Người bệnh đột ngột bất tỉnh, gọi hỏi không phản ứng.
Không thấy lồng ngực di động (không thở hoặc thở ngáp cá).
Không bắt được mạch ở các vị trí trung tâm như cổ (mạch cảnh) hoặc bẹn.
3. QUY TRÌNH CẤP CỨU
Lưu ý quan trọng: Gọi cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc nhờ người khác gọi trước khi bắt đầu cấp cứu.
- Bước 1: Kiểm tra và Đánh giá Nhanh chóng (ABC)
+ A (Airway): Khai thông đường thở
Đặt nạn nhân nằm ngửa trên bề mặt cứng.
Nếu nghi ngờ chấn thương cổ, cố định đầu và cổ.
Kiểm tra miệng và họng, loại bỏ dị vật nếu có (ví dụ: thức ăn, răng giả).
Sử dụng kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm (nếu không có chấn thương cổ) hoặc ấn hàm để mở đường thở.
+ B (Breathing): Hô hấp nhân tạo
Nếu nạn nhân không thở hoặc thở ngáp cá sau khi khai thông đường thở, tiến hành hô hấp nhân tạo. Bịt mũi nạn nhân, hít một hơi sâu, ngậm kín miệng nạn nhân và thổi vào (thổi 2 nhịp, mỗi nhịp kéo dài khoảng 1 giây). Quan sát lồng ngực nâng lên.
+ C (Circulation): Tuần hoàn
Xác định vị trí ép tim: Nửa dưới xương ức.
Đặt một tay lên vị trí ép tim, tay còn lại đặt lên trên tay kia và đan các ngón tay vào nhau.
Ép tim với tần số 100-120 lần/phút, ấn sâu khoảng 1/3 đường kính trước sau của lồng ngực.
- Bước 2: Phối hợp Ép tim và Thổi ngạt
Thực hiện luân phiên ép tim và thổi ngạt theo tỷ lệ:
Người lớn: 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt (30:2).
Trẻ em: 15 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt (15:2).
Sơ sinh: 3 lần ép tim, 1 lần thổi ngạt (3:1).
- Bước 3: Tiến hành nghe tim và bắt mạch trung tâm sau mỗi 2 phút ép tim.
Tiếp tục ép tim và thổi ngạt cho đến khi: Có dấu hiệu của sự sống trở lại (thở, cử động, ho).
- Bước 4: Sử dụng Thuốc
Adrenalin: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm trong xương. Liều: 0,1ml/kg cân nặng (Adrenalin 1‰), lặp lại sau 3-5 phút nếu tim chưa đập lại.
Nếu không có đường truyền tĩnh mạch: Adrenalin 1‰ qua nội khí quản, liều 0,1ml/kg.
Các thuốc khác: Natri bicarbonat, Canxi, atropine, cordarone tùy theo trường hợp cụ thể
- Bước 5: Tìm và điều trị nguyên nhân
Sau khi tuần hoàn và hô hấp được phục hồi, cần tìm kiếm và điều trị nguyên nhân gây ngừng tim (ví dụ: sốc phản vệ, ngộ độc, điện giật).
Bệnh viện Nhi Thái Bình là cơ sở y tế nhi khoa có đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo bài bản, trang thiết bị hiện đại thực hiện được nhiều kĩ thuật khó, cấp cứu kịp thời cho các trường hợp bệnh nặng. Để đặt lịch khám hoặc tư vấn thêm thông tin về bệnh xin liên hệ hotline 1900888662.
Nguồn tin
1. Quyết định 4825/QĐ-BYT ngày 07/9/2016 của Bộ Y Tế về việc ban hành tài liệu Hướng dẫn quy trình kỹ thuật Nhi khoa.
2. Quyết định 4068/QĐ-BYT ngày 29/7/2016 của Bộ Y Tế về việc Hướng dẫn biên soạn quy trình chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh.
3. Quyết định số 1765/QĐ-BVN ngày 22/12/2023 của BV Nhi Thái Bình
Tác giả bài viết: Phòng kế hoạch - tổng hợp
Ý kiến bạn đọc